Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dốc sức khắc phục hậu quả mưa lũ

Kim Văn| 14/10/2017 07:10

(HNM) - Mưa lũ kéo dài mấy ngày qua gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong ngày 13-10, các tỉnh miền Bắc tiếp tục tập trung sức người, sức của để khắc phục hậu quả đợt mưa lũ lịch sử.


Khắc phục hậu quả sau trận lũ ở huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái).


Chiều 13-10, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) và các đơn vị liên quan tổ chức họp báo để thông tin về công tác ứng phó với đợt mưa lũ từ ngày 10 đến 12-10. Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết: Theo Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ quy định, từ ngày 15-9, các công ty thủy điện sẽ chủ động điều tiết mực nước hồ. Do mưa lớn, lưu lượng nước đổ về hồ Hòa Bình tăng cao hơn dự báo nên để bảo đảm an toàn hồ đập và hạ du, Công ty Thủy điện Hòa Bình liên tục phải điều chỉnh mở cửa xả lũ…

Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến chiều 13-10, mưa lũ đã làm 54 người chết, 39 người mất tích; 189 ngôi bị đổ sập hoàn toàn. Diện tích cây trồng bị thiệt hại gần 70.000ha, 180.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi… Tại Hà Nội, mưa lũ đã làm ngập hơn 6.096ha cây rau màu, cây vụ đông, 455ha cây ăn quả, 396ha lúa, 5.256ha nuôi trồng thủy sản, nhiều tuyến đê bao, đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng…

Liên quan đến công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ, sáng 13-10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác Chính phủ đã kiểm tra tình hình, trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại tại tỉnh Yên Bái. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu tỉnh Yên Bái tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ để có biện pháp chủ động ứng phó, phân công kịp thời, hạn chế thiệt hại về người và tài sản do bão, lũ gây ra...

Tính đến chiều 13-10, toàn tỉnh Yên Bái có 6 người chết, 16 người mất tích, 7 người bị thương; 1.251 ngôi nhà bị ảnh hưởng. Về tài sản, tổng thiệt hại ước tính hơn 500 tỷ đồng. Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) Hà Văn Nam cho biết, thi thể phóng viên Đinh Hữu Dư được tìm thấy tại cầu Văn Phú (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái), cách vị trí phóng viên gặp nạn khoảng 100km.

Tại tỉnh Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Cứu trợ trung ương Trần Thanh Mẫn chỉ đạo đẩy nhanh việc cứu hộ, cứu nạn, di dời người dân tại những vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chia sẻ trước những mất mát của các gia đình có người bị chết và mất tích; chung tay giúp nhân dân vượt qua khó khăn sớm ổn định cuộc sống. Thống kê tại tỉnh Hòa Bình, mưa lũ đã làm 32 người chết và mất tích...

Còn tại Hà Nội, trong ngày 13-10, 5 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố tiếp tục vận hành 111 trạm, với 452 máy bơm tiêu úng. Do hồ thủy điện đã đóng toàn bộ các cửa xả, không mưa nên mực nước trên các sông, trong khu dân đang rút nhanh.

Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 11, có tên quốc tế là Khanun. Đến 16h ngày 14-10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 460km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 13. Thời gian tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được 15-20km.

Để chủ động ứng phó với bão số 11, ngày 13-10, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai có Công điện số 82/CĐ-TƯ yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên khẩn trương thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh; di dời nhân dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhất là những vùng chịu ảnh hưởng của mưa lớn những ngày qua; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ xung yếu, hồ chứa đã tích đầy nước… Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai thành phố đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện Công điện số 1560/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các công điện của UBND TP Hà Nội, chủ động ứng phó với bão số 11.

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh thường gặp sau mưa lũ

(HNM) - Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn khẩn số 220/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ gửi Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã và các bệnh viện trong, ngoài công lập. Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống các bệnh thường gặp sau mưa lũ, như: Sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ, tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng… Ngoài ra, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai tổng vệ sinh môi trường, đặc biệt lưu ý tới các trường học, bãi đất trống, công trường xây dựng, chợ, nghĩa trang… 

Sở Y tế cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra việc phòng, chống dịch của các đơn vị, đồng thời giám sát vệ sinh chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung và chất lượng nước hộ gia đình. Riêng các cơ sở khám chữa bệnh cần chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc, dịch truyền, sẵn sàng đáp ứng công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh mắc các bệnh dịch sau mưa lũ.

Thu Trang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dốc sức khắc phục hậu quả mưa lũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.