Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt đầu từ đổi mới đào tạo nghề

Hà Hiền| 15/10/2017 07:09

(HNM) - Hiện nay, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đang thiếu hụt lực lượng lao động trình độ cao để có thể bắt nhịp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Theo nhiều chuyên gia, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần bắt đầu từ việc đổi mới giáo dục hướng nghiệp, đào tạo nghề.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần bắt đầu từ việc đổi mới giáo dục hướng nghiệp, đào tạo nghề. Ảnh: Nhật Nam


Thách thức hiện hữu

Lực lượng lao động dồi dào, lên tới hơn 54 triệu người ở nước ta hiện nay sẽ không còn là thế mạnh khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ. Bởi lẽ, trong thời đại công nghiệp, một cỗ máy có thể thay thế hàng trăm con người, khiến lực lượng lao động tay nghề kém, yếu về chuyên môn sẽ bị mất việc làm. Tiếc rằng, thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, số lượng lao động qua đào tạo nghề ở nước ta mới đạt hơn 30%; năng suất lao động còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Cơ cấu lao động bất hợp lý khi tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” chưa được khắc phục.

Đáng lo ngại hơn, theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế, khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, 86% lao động ngành dệt may, da giày có nguy cơ mất việc làm, tạo gánh nặng xã hội và sức ép đối với chính sách an sinh xã hội. Trái ngược với các ngành sử dụng nhiều lao động giản đơn, các ngành đòi hỏi người lao động có trình độ chuyên môn sâu như cơ khí, kỹ thuật, điện, điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin… lại đang “khát” nhân lực. Dự báo, đến năm 2020, ngành Công nghệ thông tin có thể thiếu 500 nghìn lao động, trong khi mỗi năm các cơ sở đào tạo chỉ có thể cung ứng cho thị trường từ 30 nghìn đến 40 nghìn lao động.

Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra thách thức lớn đối với người lao động. “Cách mạng công nghiệp có thể mang đến những cơ hội đột phá về tăng năng suất, phát triển nhân lực công nghệ cao, nhưng đồng thời sự phát triển ấy có thể khiến hàng triệu lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm trước tuổi nghỉ hưu. Nếu không sớm đưa ra giải pháp phù hợp, Việt Nam không chỉ tụt hậu về nhiều mặt mà còn phải đối mặt với gánh nặng chính sách an sinh xã hội”, ông Chang - Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam cảnh báo.

Dạy nghề theo mô hình mới

Trên thực tế, khoa học, công nghệ dù tiên tiến đến đâu cũng do con người sáng tạo ra, nên con người vẫn là đối tượng trung tâm, có vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Để có nguồn nhân lực đủ khả năng làm chủ khoa học, công nghệ, nhiều chuyên gia cho rằng, công tác đào tạo, trực tiếp là đào tạo nghề, cần có sự thay đổi.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) nhận định, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ranh giới giữa các ngành nghề, lĩnh vực rất mong manh. Nhiều ngành sẽ liên kết, bổ trợ cho nhau, xuất hiện các ngành đào tạo mới, những yếu tố liên quan sự tương tác giữa con người và máy móc như trợ lý ảo, thư ký ảo, phục vụ ảo… Do đó, phòng học ảo, giáo viên ảo, thiết bị ảo… sẽ trở thành xu hướng trong hoạt động đào tạo nghề.

Từ thực tế đó, ông Nguyễn Hồng Minh đề nghị các cơ quan chức năng xây dựng, đổi mới cơ chế chính sách đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện cho các cơ sở tăng cường tính tự chủ trong hoạt động đào tạo. Phương pháp đào tạo cần thay đổi theo hướng lấy người học làm trung tâm, đào tạo những gì mà thị trường cần để có thể đón đầu xu hướng phát triển. Việc gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp cũng cần quan tâm nhiều hơn…

Trước những đòi hỏi tất yếu của xã hội, một số cơ sở dạy nghề đã chủ động thay đổi phương pháp đào tạo theo hướng lấy người học làm trung tâm và nhận được sự phản hồi tích cực. Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cho biết, thay vì nhà trường có cái gì dạy học sinh cái đó, nhà trường đã phân tích toàn bộ nội dung chương trình đào tạo, điểm nào rõ tính ưu việt, trường tiếp tục phát huy, những nội dung không còn phù hợp sẽ được thay thế.

Ngoài ra, nhà trường đã mua một số máy móc hiện đại có thể đáp ứng công tác dạy nghề theo mô hình mới, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực hành nhiều hơn. Nhờ vậy, gần 100% sinh viên tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội có tay nghề vững, sớm tìm được việc làm sau khi ra trường với mức thu nhập khá. Một ví dụ khác là Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội: Nhờ chủ động triển khai đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường và “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp nên trong những năm gần đây, nhà trường đã cung cấp cho thị trường hàng nghìn lao động có trình độ, tay nghề cao.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ở giai đoạn đầu. Trong bối cảnh “khủng hoảng thừa” lao động giản đơn, rõ ràng, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động là một trong những vấn đề rất cần được quan tâm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu từ đổi mới đào tạo nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.