Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từng bước xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề

Thanh Hiền| 17/10/2017 06:56

(HNM) - 100% làng nghề được quan trắc đều có ít nhất 3 chỉ tiêu phân tích vượt tiêu chuẩn cho phép, nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất bị ô nhiễm; bề mặt ao hồ, kênh mương thủy lợi bị nhiễm độc…

Tái chế phế liệu gây ô nhiễm ở làng nghề Triều Khúc, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì).



Vượt 30 lần chỉ số cho phép

Kết quả khảo sát mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho thấy, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố có chỉ số ô nhiễm môi trường làng nghề vượt quá 30 lần cho phép. Nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất tại các làng nghề đều bị ô nhiễm bởi NH4, phenol…; nước mặt tại các ao, hồ, kênh mương thủy lợi bị nhiễm độc; hay các chỉ tiêu sinh học như ecoli, coliform, kim loại nặng As, Hg khá cao… Ước tính mỗi ngày, các làng nghề thải ra môi trường hàng trăm nghìn tấn chất thải rắn, khoảng 150m3 nước thải sinh hoạt. Riêng ở các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, cơ kim khí, chế biến lâm sản, dệt… hầu hết các loại chất thải không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường. Đặc biệt, tại một số làng nghề được liệt vào danh sách đen ô nhiễm như ở xã Tân Triều (huyện Thanh Trì), xã Vân Hà, Liên Hà (huyện Đông Anh), xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên), xã Dương Liễu, Cát Quế (huyện Hoài Đức)… dễ nhận thấy mức độ ô nhiễm nguồn nước, không khí nặng mà không cần quan trắc.

Đáng lo ngại là một số địa phương còn thiếu trách nhiệm, chưa thực sự chú trọng kiểm tra, xử lý vi phạm dù cảnh báo đã tới mức nguy hiểm. Nhiều hộ gia đình vì lợi ích kinh tế, dù biết rõ mức độ nguy hiểm nhưng vẫn cố tình vi phạm và chấp nhận sống chung với ô nhiễm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, khó khăn lớn hiện nay là các làng nghề phát triển theo hướng tự phát, sản xuất của các hộ gia đình mang tính chất tập thể, làng xã từ lâu đời nên việc chuyển địa điểm sản xuất mới tốn kém. Phần lớn các cơ sở sản xuất đều nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, nên không đủ vốn đầu tư cho công nghệ xử lý nước thải, rác thải.

Xây dựng các mô hình xã hội hóa

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố đã có lộ trình cụ thể để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, nhưng quan trọng nhất vẫn là người dân trực tiếp tham gia sản xuất - cũng là tác nhân gây ô nhiễm, phải tự ý thức và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Cụ thể, giai đoạn 2017-2020, thành phố sẽ tập trung vào việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề; đồng thời, đánh giá, phân loại làng nghề, xây dựng các mô hình xã hội hóa và mô hình quản trị cơ sở xử lý chất thải rắn, lỏng, khí cho việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề... Trong năm 2018, thành phố sẽ tập trung đầu tư, xây dựng và vận hành quy trình công nghệ xử lý môi trường cho 13 loại hình làng nghề, gồm: Chế biến lương thực, thực phẩm; nghề thuộc da, nghề nhuộm; chăn nuôi, giết mổ gia súc. Cũng trong giai đoạn này, thành phố sẽ tiến hành xây dựng hệ thống các điểm thu gom, lưu trữ rác thải, chất thải tại các làng nghề để vận chuyển tới các điểm xử lý trên địa bàn.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện việc di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, tùy thuộc vào đặc điểm thực tế của địa phương để áp dụng các hình thức như quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp, quy hoạch phân tán hoặc phân tán kết hợp tập trung; đồng thời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, hoặc di dời vào khu, cụm công nghiệp tập trung. Thành phố yêu cầu các địa phương phải khoanh vùng quản lý thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn, tránh tình trạng xả tràn lan ra môi trường.

Để ô nhiễm môi trường làng nghề không còn là nỗi ám ảnh đối với người dân khu vực nông thôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho rằng, thành phố cần tăng nặng chế tài xử phạt đối với các hộ gia đình, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Có như vậy, mới có thể nâng cao nhận thức của cộng đồng làng nghề, tạo nguồn thu cho công tác khắc phục ô nhiễm môi trường và xây dựng các công trình xử lý chất thải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từng bước xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.