Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng phó khẩn cấp với mưa lũ sau bão số 12

Kim Văn| 05/11/2017 20:53

(HNMO) - Chiều tối 5-11, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp khẩn bàn biện pháp ứng phó mưa lũ, bảo đảm an toàn cho hạ du các tỉnh miền Trung sau bão số 12.


Mưa lớn, ẩn chứa nhiều hiểm họa

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ đêm 5-11 đến 8-11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, khu vực Bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai) có mưa to đến rất to; riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa đặc biệt to.

Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp… Trước đó, mưa đặc biệt lớn khiến các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi đã vượt báo động III và đang tiếp tục lên.

Thực tế, do mưa lớn kết hợp với việc mở cửa xả lũ 36 hồ thủy điện, 18 hồ thủy lợi đã khiến nhiều khu dân cư, tuyến giao thông của các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi bị ngập úng. Nhiều địa phương tiếp tục triển khai phương án di dời nhân dân vùng úng ngập đến nơi an toàn…

Cập nhật tình hình thiệt hại do bão số 12 gây ra, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 13h ngày 5-11, bão số 12 đã làm 29 người chết, 29 người mất tích; 1.015 ngôi nhà bị sập đổ, 43.611 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; 4.425ha lúa, 25.314ha rau màu bị ngập úng; 228 tàu cá, 1.491 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị chìm, vỡ…

Ngoài ra, bão số 12 còn gây ra nhiều sự cố, hư hỏng hệ thống cấp điện, giao thông quan trọng… Trong ngày, các địa phương vừa tích cực chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 12, vừa triển khai các giải pháp ứng phó mưa lũ, bảo đảm an toàn hồ chứa, vùng hạ du…

Khẩn cấp ứng phó mưa lớn

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng cho biết, hiện nay lượng nước về lưu vực sông Hương theo tính toán đã lên tới hơn 1 tỷ mét khối. Các hồ đã tích trữ 500 triệu mét khối, còn 500 triệu mét khối phải xả. Cho đến nay, cả ba hồ lớn ở Thừa Thiên - Huế đều đã gần đến mực nước dâng bình thường. Những ngày tới tiếp tục có mưa, các hồ phải xả với mức cao hơn…

Nhận diện thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thực tế đang tồn tại nhiều tình huống bất lợi: Hồ chứa đã đầy, nước sông vượt báo động III, mưa đặc biệt lớn, trên diện rộng tiếp tục kéo dài đến ngày 8-11. Nếu không chủ động các biện pháp ứng phó tại chỗ thì thiệt hại sẽ rất lớn.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương liên tục cập nhật số liệu, đưa ra các dự báo sát thực tiễn. Các cơ quan quản lý, chủ hồ phải vận hành hồ chứa đúng theo quy trình đã được các cấp phê duyệt. Chủ tịch UBND các tỉnh khi đưa ra quyết định vận hành hồ chứa phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, dựa trên số liệu dự báo và phải dự báo được lượng mưa trên lưu vực hồ mình quản lý... Bộ Công Thương quản lý, giám sát chặt chẽ việc vận hành các hồ chứa...

Về công tác khắc phục hậu quả bão số 12, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện các công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai. Trong đó, các địa phương đặc biệt chú trọng đến việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với người, phương tiện còn mất tích, chưa liên lạc được; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại, nhất là đối với những hộ có người bị chết, mất tích; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm và có phương án tái định cư đối với những hộ bị mất nhà cửa, không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống, không có nơi ở…

Trong ngày 5-11, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai đã báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ khẩn cấp lương thực, kinh phí cho các địa phương bị thiệt hại do bão số 12; đồng thời, thành lập 3 đoàn công tác đến các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và giám sát, vận hành hồ chứa, bảo đảm an toàn vùng hạ du...

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ không bảo đảm an toàn. Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương phải có phương án chủ động sơ tán dân cư, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, sẵn sàng ứng cứu sự cố hồ đập…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó khẩn cấp với mưa lũ sau bão số 12

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.