Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu phí trái quy định tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam: Câu hỏi lớn về trách nhiệm

Linh Nhi - Dạ Khánh| 07/11/2017 07:16

(HNM) - Hơn 550 tỷ đồng là số tiền 21 cảng hàng không thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thu phí ô tô ra - vào nhà ga sân bay không đúng quy định pháp luật trong giai đoạn 2012-2015.

Luật sư Nguyễn Văn Hà (Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Lam và cộng sự - Đoàn luật sư Hà Nội):
Việc thu phí là trái pháp luật

Việc 21 cảng hàng không thuộc ACV thu tiền dịch vụ đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với các ô tô đưa, đón trả khách là hoàn toàn trái Luật Đất đai và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, gây thiệt hại cho hành khách… Trên thực tế, Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất và toàn bộ cơ sở vật chất hạ tầng của doanh nghiệp đều do Nhà nước giao để đầu tư hoạt động hàng không, trong đó có đường dẫn vào các ga, cảng. Như vậy, về mặt pháp luật sẽ không có khoản phí nào được thu ở đó. Chúng ta phải hiểu rõ, Nhà nước không thu tiền đất, đương nhiên doanh nghiệp không được thu phí, vì các hạng mục này đương nhiên để phục vụ các hoạt động liên quan.

Thời gian qua, nhiều cảng hàng không thu phí ô tô ra, vào nhà ga sân bay không đúng quy định.
Ảnh: Minh Chiến


Pháp lệnh về phí và lệ phí năm 2001, phần quy định phí liên quan hoạt động hàng không, hoàn toàn không quy định được thu phí đường dẫn vào ga hàng không; Luật Phí và lệ phí năm 2015, hiệu lực từ 1-1-2017 cũng không có khoản phí này. Do vậy, sai phạm cần được giải quyết dứt điểm theo hướng quy trách nhiệm cho người đứng đầu, tiếp đó phải xem xét công tác thanh kiểm tra, giám sát đến từng cán bộ làm công tác thanh tra trong hệ thống của ACV để ngăn chặn vi phạm khác phát sinh.

Anh Vũ Bình Tâm (Khu đô thị Định Công, Hoàng Mai):
Ai chịu trách nhiệm?


Từ nhiều năm nay, mỗi khi đưa, đón khách đi Sân bay Nội Bài, tôi thường xuyên phải trả 15.000 đồng/lượt khi xe ra khỏi khu vực nhà ga. Do không biết rõ quy định của pháp luật nên tôi cũng như nhiều người mặc nhiên chấp nhận trả tiền mà không thắc mắc. Thế nhưng, sau kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách pháp luật tại ACV, trong đó có việc ACV thu phí ra - vào sân bay không đúng quy định, thì người dân thực sự bất ngờ. Tại sao đến bây giờ thanh tra mới phát hiện, trong khi việc thu phí đã diễn ra từ lâu? Cá nhân nào chịu trách nhiệm cho sai phạm này? Hàng trăm tỷ đồng người dân “mất oan” lâu nay sẽ xử lý thế nào? Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng làm rõ và trả lời công khai trước dư luận.

Doanh nhân Phạm Ngọc Thành (quận Hoàn Kiếm):
ACV cần công khai xin lỗi khách hàng


Với khoản tiền thu về tới hơn 550 tỷ đồng chỉ trong 3 năm, tôi không đặt vấn đề tiền đó vào túi ai, nhưng dư luận không khỏi bức xúc bởi sai phạm này thể hiện sự thiếu chuẩn mực về đạo đức, văn hóa trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Sai phạm đã rõ, vấn đề là giải pháp xử lý thế nào để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật cũng như lấy lại niềm tin của người dân. Thiết nghĩ, ACV cần xin lỗi khách hàng, bởi đây là một khía cạnh thể hiện đạo đức, văn hóa trong kinh doanh…

Chị Đỗ Thúy Hiền (phường Láng Hạ, Đống Đa):
Vi phạm phải bị xử lý nghiêm


Không phải trả tiền sử dụng đất mà ACV tự ý thu phí ô tô của khách từ 7 đến 30 nghìn đồng/lượt qua đường dẫn vào ga hàng không và thu vé tháng từ 600.000 đến 1.650.000 đồng/tháng là việc phi lý. Hành khách đi máy bay đã chịu rất nhiều khoản thuế, phí kèm theo vé máy bay như thuế, phí sân bay, dịch vụ, tiền xuất vé, cộng thêm khoản phí đường dẫn nhà ga... Với các khoản thuế, phí đó, chúng tôi sẵn sàng chi trả, song cần sự minh bạch. Thu phí dựa trên quy định, cơ sở nào? Số tiền thu được sử dụng vào mục đích gì? Trước kết luận của Thanh tra Chính phủ về vấn đề này, tôi hy vọng cơ quan chức năng có giải pháp xử lý thỏa đáng. Sai phải sửa và vi phạm phải bị xử lý nghiêm. Đây là mong muốn của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu phí trái quy định tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam: Câu hỏi lớn về trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.