Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khiếu nại tố cáo giảm song vẫn diễn biến phức tạp

Bảo Hân| 07/11/2017 17:18

(HNMO) - Chiều 7-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 của Chính phủ, TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao. Đây là lần đầu tiên nội dung này được tách ra  thảo luận riêng.

Tổng Thah tra Chính phủ Lê Minh Khái.


Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017 giảm trên nhiều tiêu chí: số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 8,5%; tổng số đơn khiếu nại, tố cáo giảm 8,9%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 14,8%.

Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp và gay gắt. So với năm 2016, số đoàn đông người tăng 10,2%. Đáng chú ý, một số thế lực đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.

Trước tình hình khiếu nại, tố cáo đông người diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, nhất là sau khi xảy ra vụ việc ở xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, TP Hà Nội), Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lập danh sách 463 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, phân loại, xác định rõ thẩm quyền để tham mưu Thủ tướng chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Ở địa phương, nhất là cấp cơ sở vẫn còn nhiều vụ việc giải quyết chậm, chất lượng hạn chế, sai sót về trình tự, thủ tục, chỉ chú trọng giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến giải quyết dứt điểm vụ việc.

Hơn nữa, một số địa phương giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng ban đầu triển khai tốt, nhưng sau thực hiện chậm, thiếu kiên trì, quyết tâm chưa cao; chưa có giải pháp hữu hiệu đối với người khiếu nại cố chấp, cố tình đeo bám, nghe theo các thế lực khác xúi giục, kích động, tập trung đông người, gây mất an ninh trật tự.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra.


Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn ra phức tạp vẫn xuất phát từ những bất cập của công tác quản lý nhà nước; một số chính sách, pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính ổn định; chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước, doanh nghiệp trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản, bảo vệ và phát triển rừng, đầu tư các dự án trong lĩnh vực giao thông theo hình thức BOT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...

"Lãnh đạo và cán bộ có thẩm quyền ở một số cơ quan còn né tránh, chưa làm hết trách nhiệm trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là từ cơ sở; việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo cũng chưa nghiêm, chưa kịp thời". - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu.

Cán bộ năng lực yếu, bản lĩnh không cao sẽ sợ đối thoại với dân 

ĐBQH đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu.


Phát biểu ý kiến tại hội trường, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nêu thêm nguyên nhân của tình trạng khiếu nại tố cáo phức tạp như hiện nay xuất phát từ sự không gần dân, lắng nghe dân và đối thoại với dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ.

"Việc trong dân thì xảy ra hằng ngày, việc lớn có, nhỏ có, có những việc tạo thành điểm nóng nhưng vấn đề đặt ra là cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở có sâu sát, gần dân để nắm bắt vấn đề trong dân, lắng nghe, chia sẻ, đối thoại với dân, cùng dân giải quyết các vấn đề ngay tại cơ sở khi vụ việc mới manh nha hay không?.

Đối thoại ở một góc độ khác là cơ hội thử thách năng lực bản lĩnh và phẩm chất cán bộ. Cán bộ có năng lực yếu, bản lĩnh không cao và không nắm chắc công việc sẽ rất sợ đối thoại với dân. Cán bộ nhất là ở cơ sở, không giữ gìn, rèn luyện cũng khó ngồi đối thoại với dân vì buổi đối thoại có thể là diễn đàn để dân phê bình, tố cáo cán bộ, thậm chí với cả chính người đang chủ trì đối thoại" - ĐB đoàn Hà Nội cho hay.

Cũng theo ĐB Ngọ Duy Hiểu, đối thoại không mất nhiều tiền, nhiều thời gian, công sức nhưng hiệu quả mang lại rất nhiều, nhất là để yên dân. 

Tuy nhiên, nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều cán bộ, nhất là ở cơ sở vẫn xa dân, vẫn không lắng nghe dân, đối thoại với dân, làm dân thất vọng, bức xúc; nhiều vụ việc nhỏ trở thành to, trở thành phức tạp, trở thành điểm nóng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khiếu nại tố cáo giảm song vẫn diễn biến phức tạp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.