Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý vi phạm hành chính: Cấp cơ sở gặp nhiều khó khăn

Hà Phong| 16/11/2017 20:04

(HNMO) - Chiều 16-11, UBND TP Hà Nội đã tổ chức tổng kết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn dự hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn chúc mừng các đơn vị có thành tích trong việc triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 trên địa bàn.


Báo cáo của các sở, ngành, quận, huyện cho thấy, kể từ khi luật có hiệu lực đến nay, các đơn vị đã từng bước ý thức hơn trong việc thực hiện đúng, đủ quy trình, thủ tục, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trong lĩnh vực xây dựng, đã nảy sinh một số bất cập, vướng mắc. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Việt Trung thông tin, Điều 38 và Điều 46 quy định thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND cấp xã và thanh tra viên lần lượt tương ứng là 5.000.000 đồng và 500.000 đồng đối với cá nhân vi phạm.

Mức quy định trên quá thấp nên phần nào đã hạn chế vai trò của thanh tra viên và chính quyền cơ sở trong việc xử lý vi phạm. “Trong lĩnh vực xây dựng, thanh tra viên gần như không thể thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính vì hầu hết các hành vi vi phạm đều vượt thẩm quyền xử phạt. Tương tự, các hành vi vi phạm phổ biến như không phép, sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế tại các quận nội thành đều vượt thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND cấp phường. Điều này đã làm giảm đáng kể vai trò của UBND cấp phường, tăng áp lực của UBND cấp quận, đồng thời ảnh hưởng tới tính kịp thời của việc xử lý vi phạm” - ông Trần Việt Trung nói.

Đối với cấp quận, vướng mắc chung của nhiều địa phương là tiến độ xử lý vi phạm hành chính. Bà Ngô Hồng Thủy, Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm cho biết, vi phạm hành chính diễn ra hằng ngày, thậm chí hằng giờ trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính, UBND quận thường xuyên thành lập các tổ kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành theo chuyên đề: Y tế, an toàn thực phẩm, phòng chống tác hại thuốc lá; an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy, nổ… và của các Ban Chỉ đạo 389, 197, 138 của quận để kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính. Từ năm 2013 đến tháng 10-2017 tổng số vụ việc vi phạm hành chính là 1.489, trong đó, số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận là 446 vụ việc. Tuy nhiên, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính chỉ 7 ngày (không bao gồm ngày nghỉ) là quá ngắn. Khi lập hồ sơ, xử lý vào những thời điểm mà cán bộ, công chức được nghỉ nhiều ngày rất khó khăn, không bảo đảm thời hạn theo quy định.

Chưa hết, khi thực hiện cưỡng chế thu tiền xử phạt vi phạm hành chính và chi phí cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính, nhiều đối tượng vi phạm cố tình trốn tránh, cách thực hiện điển hình là tuyên bố giải thể, phá sản. Gặp những trường hợp này, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu tiền phạt hay hoàn trả chi phí cưỡng chế không khả thi trên thực tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho công tác triển khai thi hành luật trong thời gian vừa qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...

Nhân dịp này, UBND TP Hà Nội đã tặng bằng khen cho 7 tập thể có thành tích trong việc triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 trên địa bàn Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý vi phạm hành chính: Cấp cơ sở gặp nhiều khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.