Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lấy người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm

Hà Phong| 21/11/2017 07:08

(HNM) - Chỉ còn hơn một tháng nữa (ngày 1-1-2018), Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 với quan điểm lấy người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm của hoạt động nhân văn này sẽ chính thức có hiệu lực.


Tư vấn miễn phí cho người lao động tại Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn Hà Nội.Ảnh: Bá Hoạt


Tạo điều kiện thuận lợi tối đa

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Nguyễn Thị Minh cho biết, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 là một trong số ít luật được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành 100%. Có sự đồng thuận cao như vậy do luật đã lấy người trợ giúp pháp lý làm trung tâm nhằm giúp đối tượng khó khăn, yếu thế tiếp cận dịch vụ một cách tốt nhất. Luật cũng khẳng định rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước và mở rộng diện người được trợ giúp từ 6 lên 14 đối tượng theo các tiêu chí, nguyên tắc cụ thể, phù hợp với bản chất của trợ giúp pháp lý và điều kiện đặc thù của đất nước. Trong đó, nhóm người được bổ sung trợ giúp mới là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (nhóm người này đang thuộc trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự); người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

Về quá trình triển khai các chính sách, vẫn có quan điểm cho rằng, trợ giúp pháp lý là miễn phí nên chất lượng dịch vụ không bằng dịch vụ có thu phí. Bà Nguyễn Thị Minh khẳng định, điều này không đúng. So với luật ban hành năm 2006, luật sửa đổi, bổ sung năm 2017 chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động trợ giúp pháp lý thông qua việc bổ sung tiêu chuẩn; chuẩn hóa đội ngũ thực hiện; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các tổ chức có liên quan, đặc biệt là quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. “Cần hiểu, dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí là miễn phí cho đối tượng được hưởng chứ không phải miễn phí cho dịch vụ. Nhà nước phải thành lập tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương để thực hiện trợ giúp pháp lý và trả chi phí cho hệ thống này hoạt động” - bà Nguyễn Thị Minh nói.

Với quan điểm tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân biết và thực hiện quyền của mình, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý trong những vụ việc cụ thể, luật 2017 bổ sung nhiều quy định mới. Chẳng hạn, quy định phải công bố danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để người dân biết và thực hiện quyền lựa chọn của mình. Quy định ngoài hình thức nộp đơn trực tiếp, gửi qua đường bưu điện, người dân có thể nộp đơn yêu cầu qua hình thức điện tử, fax để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, đồng thời có thể yêu cầu trợ giúp pháp lý thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác...

Thách thức về nguồn lực


Người dân xã Văn Bình (huyện Thường Tín) tìm hiểu văn bản luật tại tủ sách pháp luật của địa phương. Ảnh: Linh Ngọc


Một trong những điều kiện quan trọng bảo đảm tính khả thi của luật đó là nguồn lực thực hiện. Song, điều mà các địa phương còn băn khoăn hiện nay, với việc mở rộng nhóm đối tượng cần được trợ giúp pháp lý thì kinh phí có bảo đảm hay không? Bởi trên thực tế, việc thu chi được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, khoản tiền cấp cho trợ giúp pháp lý là bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào sự cân đối của UBND cấp tỉnh. Trong khi đó, nhiều tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách. Chưa kể, khái niệm “khó khăn về tài chính” chưa được làm rõ trong luật. Bà Trịnh Thị Lê Trâm, cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS, Hội Luật gia Việt Nam nhận định, nếu quy định chung chung sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau, rất khó thực hiện.

Với ước tính, thực hiện luật 2017, sẽ có khoảng hơn 40 triệu người được trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý khẳng định, ngân sách dự kiến sẽ tăng lên. Điều đó đồng nghĩa, trách nhiệm của Nhà nước phải tăng lên. Tức là, nếu các đối tượng có vụ việc phải trợ giúp pháp lý thì nhiệm vụ của Nhà nước phải chi trả theo quy định. Quá trình triển khai, vai trò của Sở Tư pháp trong việc tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố rất quan trọng. Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố cần quan tâm hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; quản lý, rà soát người thực hiện trợ giúp pháp lý và người thuộc diện trợ giúp pháp lý trên từng địa bàn để đề xuất bố trí kinh phí và nhân lực hợp lý, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Về phía Bộ Tư pháp cũng đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật để kịp thời hướng dẫn luật cùng thời điểm Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực (từ ngày 1-1-2018). Theo bà Nguyễn Thị Minh, quy định điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là một vấn đề mới trong pháp luật Việt Nam. Trong quá trình soạn thảo, có một số ý kiến đề xuất bổ sung những người không thể tiếp cận được tài sản của mình hoặc của gia đình, người có khó khăn đột xuất... thuộc trường hợp có khó khăn về tài chính.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Nghị định đã đưa ra 2 điều kiện được coi là có khó khăn về tài chính, gồm: Là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật. Triển khai theo hướng này sẽ xác định rõ hơn đối tượng được hưởng, nguồn lực thực hiện, tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.