Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ tham nhũng của ĐBQH chưa chắc bằng cán bộ địa chính xã

Bảo Hân| 21/11/2017 11:43

(HNMO) - Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trong sáng 21-11, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) bày tỏ quan điểm không nên lựa chọn phương án mở rộng hay thu hẹp đối tượng mà cần chọn đúng đối tượng cần kê khai.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội).


Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, với việc lựa chọn đúng đối tượng sẽ đạt được mục tiêu của đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu các thống kê và các kiến nghị của Tổ chức Minh bạch quốc tế hằng năm về lĩnh vực và vị trí công tác thường có nhiều tham nhũng, có nguy cơ tham nhũng cao và thống kê án đã xét xử hằng năm tội phạm tham nhũng ở chức vụ và lĩnh vực nào để từ đó đề xuất.

Có những ngành, lĩnh vực mà bất kỳ công chức chuyên môn nào cũng đều phải kê khai và có những ngành, lĩnh vực thì quy định chức danh chức vụ nhất định để kê khai tài sản.

"Không phải phòng nào, vụ nào, lĩnh vực nào cũng đều phải kê khai, dù phụ cấp có thể tương đương nhau, mà ta phải chọn lĩnh vực mới xác định được đối tượng có nguy cơ tham nhũng để đấu tranh phòng chống hiệu quả. Một ĐBQH hay một đại biểu HĐND chuyên trách chưa chắc đã có nhiều tài sản hoặc nguy cơ tham nhũng bằng cán bộ địa chính một xã, một cán bộ trật tự xây dựng của một phường hay kế toán một trường học, bệnh viện" - đại biểu đoàn Hà Nội nêu vấn đề để các cơ quan soạn thảo Luật lưu tâm.

Về nghĩa vụ kê khai tài sản được quy định tại Điều 40 dự thảo Luật, theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, ngoài hai đối tượng vợ chồng và con chưa thành niên, dự thảo cần phải quy định thêm cả bố mẹ và con đã thành niên.

Đại biểu nêu thực tế việc xử lý vụ án Giang Kim Đạt cho thấy, ông bố Giang Kim Hiền cũng đã bị truy tố thêm tội danh liên quan đến việc ông này đứng tên rất nhiều tài sản.

Không phải vì đang bức xúc mà cần phải có ngay luật

Góp ý về thời điểm thông qua dự thảo Luật này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng, dự thảo Luật đang có nhiều vấn đề cần quan tâm, trong đó, có những vấn đề lớn mà Chính phủ trình chưa có quan điểm cuối cùng.

"Không nên vì dân đang bức xúc, dân quan tâm mà phải có ngay luật. Chúng ta không làm luật để làm hài lòng dân mà làm luật để dân cùng chúng ta có thêm công cụ để phòng chống tham nhũng" - đại biểu nêu quan điểm.

Ngoài ra, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đánh giá là "đang lên", nên càng cần thêm thời gian để tổng kết, lấy thêm kinh nghiệm từ thực tiễn bổ sung vào luật. Theo đại biểu, không nên nóng vội, để Luật khi thông qua được đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình.

Cuối phiên thảo luận sáng nay, đã có 33 ĐBQH phát biểu và tranh luận với không khí sôi nổi, thẳng thắn, tập trung vào những vấn đề đang cần làm rõ hơn để các cơ quan soạn thảo tiếp thu.

Đầu giờ chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật. Cuối phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ tham nhũng của ĐBQH chưa chắc bằng cán bộ địa chính xã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.