Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động phòng, chống cháy rừng mùa khô

Sơn Tùng| 01/12/2017 07:27

(HNM) - Rừng của Hà Nội chủ yếu là rừng trồng, có thảm thực bì dưới tán dày phát triển mạnh, độ khô nỏ cao, nguy cơ cháy rừng rất lớn nếu chủ quan, lơ là. Xác định rõ nhiệm vụ, lực lượng kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ, các địa phương có rừng cùng người dân cần nâng cao ý thức chủ động phòng, chống cháy rừng với phương châm


Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 18 vụ cháy rừng với tổng diện tích 64,47ha, tập trung ở các huyện: Sóc Sơn 13 vụ (58,51 ha), Thạch Thất 2 vụ (2,3ha), Ba Vì 2 vụ (2,7ha); thị xã Sơn Tây 1 vụ (0,96ha). Trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ cháy rừng tại xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) ngày 5-6-2017, gây thiệt hại hơn 50ha rừng thông, keo... Từ nay đến hết tháng 4-2018 là giai đoạn khô hanh, cũng là thời điểm có nhiều lễ hội nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Với phương châm “phòng hỏa hơn cứu hỏa”, các địa phương có rừng trên địa bàn thành phố đã có nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Huyện Ba Vì là địa phương có diện tích rừng, đất lâm nghiệp nhiều nhất thành phố với 13 xã có rừng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Dần cho biết: Mùa khô năm 2017-2018, huyện yêu cầu các xã có rừng tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cho toàn dân; thường xuyên thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng đến từng thôn, cụm dân cư và đơn vị bảo vệ rừng; kiểm tra toàn bộ máy móc, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy để có kế hoạch duy tu bảo dưỡng…

Tương tự, huyện Sóc Sơn đã kiểm tra, xây dựng phương án, tổ chức lực lượng, trang thiết bị, vật tư... phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy với phương châm “phòng cháy rừng là chính” và chữa cháy rừng phải khẩn trương, kịp thời, triệt để, an toàn. Tuy nhiên, theo bà Vi Thị Bình Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, hiện hầu hết các vụ cháy rừng chưa được điều tra kỹ, chưa thể hiện được tính nghiêm minh và răn đe của pháp luật. Do đó, các cơ quan chức năng cần tích cực phối hợp, điều tra nguyên nhân gây cháy rừng, làm rõ đối tượng liên quan và gắn trách nhiệm cụ thể cho chủ rừng... để áp dụng chế tài phù hợp, đủ sức răn đe với người vi phạm.

Hiện nay, toàn thành phố có hơn 27.726ha rừng và đất lâm nghiệp. Rừng gắn liền với các công trình văn hóa lịch sử có lễ hội và tâm linh. Nhiều khu rừng xen kẽ dân cư cũng là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây cháy. Do vậy, lực lượng kiểm lâm phải luôn chủ động phối hợp tích cực với chính quyền địa phương, công an, quân đội… tổ chức kiểm tra, đánh giá vật tư, trang thiết bị, con người... nhằm sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp.

Được biết, đến nay Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội đã tổ chức 11 lớp tập huấn nghiệp vụ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và phổ biến các chính sách mới, nâng cao kiến thức, vai trò, tầm quan trọng của rừng đối với môi trường sống. Hiện tại, đơn vị đã rà soát những vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy, bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ tại các chốt canh gác lửa rừng; vào những ngày hanh khô, có cảnh báo cháy rừng cấp độ IV, cấp độ V và dọn sạch đường băng cản lửa; đồng thời, đôn đốc các chủ rừng phát dọn thực bì để giảm vật liệu cháy.

Để phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên khẳng định: Ngoài việc phát hiện sớm lửa rừng và xử lý kịp thời, tại chỗ... việc tăng cường trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phòng cháy, chữa cháy cần được chuyên nghiệp hóa. Hà Nội nên áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong chữa cháy rừng, như ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ lâm sinh. Cùng với tạo sinh kế, phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp, điều cốt yếu chính là nâng cao nhận thức trong cộng đồng; đồng thời, đẩy mạnh việc giao rừng gắn với quyền sở hữu để người dân tăng cường trách nhiệm trong bảo vệ rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng, chống cháy rừng mùa khô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.