Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Tiếp sức thoát nghèo bền vững

Nguyễn Mai| 11/12/2017 07:46

(HNM) - Những chủ trương, chính sách đúng hướng, kịp thời của Đảng, Nhà nước đã từng bước hỗ trợ cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào khu vực dân tộc miền núi, đặc biệt là 2 xã nghèo: An Phú (huyện Mỹ Đức) và Ba Vì (huyện Ba Vì).

Hạ tầng nông thôn xã An Phú (huyện Mỹ Đức) ngày càng khang trang.Ảnh: Linh Ngọc



Câu chuyện "cần câu" và "con cá"...

Trong niềm vui, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Mạnh Ngự vẫn trăn trở: Những năm qua, hạ tầng ở An Phú đã được đầu tư rất nhiều. Nay nông dân An Phú cần nhất là được hỗ trợ kiến thức, hỗ trợ “cần câu” để tự “câu” được “cá”. Theo tính toán của ông Ngự, nếu chỉ làm ruộng đơn thuần, 1 năm 2 vụ lúa, thu về được 4 tạ (với điều kiện không bị thiên tai, dịch bệnh), bán đi cũng chỉ được 2 triệu đồng. Rồi còn chi phí giống, phân, thuốc trừ sâu... thì cả một năm làm ruộng, cùng lắm cũng chỉ đủ gạo ăn, không nghèo sao được? Bởi vậy, để thoát nghèo, bà con rất cần được học nghề, có kiến thức để trồng trọt, chăn nuôi làm giàu cùng những tán rừng, trên những vườn đồi... Thực tế ở xã An Phú, những hộ có tư duy nhạy bén, dám nghĩ, dám làm vẫn có nhiều cơ hội vươn lên.

Về những khó khăn, ông Ngự cho biết thêm, mới tháng 8-9 vừa qua, lũ rừng ngang đổ về làm hàng trăm héc ta thủy sản, lúa... ở các thôn Đồng Chiêm, Ái Nàng, Đức Dương, Thanh Hà đang vào kỳ thu hoạch bị mất trắng. Thiên tai luôn rình rập nên cái nghèo còn lẩn khuất bên người dân An Phú, nếu không được trợ giúp sẽ rất dễ dẫn tới tái nghèo...

Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lý Sinh Vượng, gốc rễ để thoát nghèo ở Ba Vì vẫn là phải có việc làm. Hiện, cây thuốc Nam ngày một khan hiếm trong bối cảnh thiếu đất canh tác, người dân rất khó bảo tồn đa dạng cây thuốc tại vườn nhà. Bà con mong muốn Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp và Vườn quốc gia Ba Vì quy hoạch vùng trồng cây thuốc Nam dưới tán rừng để bảo tồn cây dược liệu...

“Chúng tôi đã nhìn thấy hiệu quả của việc phát triển du lịch cộng đồng; đã tham quan bản làng người Dao đỏ ở Tả Phìn (Sa Pa - Lào Cai), bản Lác (Mai Châu - Hòa Bình) và nhận thấy, xã Ba Vì cũng có tiềm năng để phát triển du lịch như vậy. Bà con còn có nghề thuốc Nam gia truyền, rất thuận lợi cho phát triển mô hình du lịch cộng đồng kết hợp tham quan, mua thuốc Nam, tắm thảo dược gắn với quần thể du lịch quanh núi Ba Vì. Người dân rất mong được hỗ trợ xây dựng mô hình, liên kết với các công ty lữ hành đón khách” - ông Lý Sinh Vượng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ở xã Ba Vì, mô hình tặng bò cho hộ nghèo, tạo sinh kế cho bà con phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả, bà con cũng mong được mở rộng mô hình này...

Đầu tư cho sản xuất gắn liền giữ gìn bản sắc

Mặc dù đã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, song, có thể thấy, để thoát nghèo bền vững, cả 2 địa phương còn rất nhiều việc phải làm. Xã An Phú tuy đã có nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiệu quả nhưng do nằm dưới chân núi nên thường xuyên chịu hậu quả nặng nề của lũ rừng ngang. Trưởng thôn Thanh Hà Lê Văn Tiến bày tỏ mong muốn được Nhà nước tiếp tục đầu tư cứng hóa kênh mương và giao thông, bà con được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất. “Chúng tôi vừa ra khỏi xã đặc biệt khó khăn thì lại chịu hậu quả nặng nề của mưa úng. Bà con mong muốn được hỗ trợ thêm vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cách xây dựng mô hình phát triển kinh tế... để vươn lên thoát nghèo bền vững” - Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Mạnh Ngự bày tỏ.

Còn theo Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện Mỹ Đức Trịnh Xuân Viết, điểm hạn chế hiện nay là nguồn vốn đầu tư của trung ương và thành phố cho vùng đồng bào dân tộc còn dàn trải, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Vốn cho khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật còn ít nên chưa đáp ứng được việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Một số chính sách, chương trình, dự án triển khai còn chậm...

Nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho 2 xã phát triển, Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết: Theo Kế hoạch số 138 của UBND thành phố, Hà Nội đang triển khai xây dựng Đề án “Xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đồng bào dân tộc Dao tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP
Hà Nội giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo”, Ban Dân tộc thành phố đã phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND huyện Ba Vì và các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện.

Với xã Ba Vì, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Đặng Tiến Hữu đề nghị: Muốn đồng bào dân tộc thiểu số phát triển bền vững thì cần hỗ trợ sản xuất. Thực tế, đất sản xuất ngày càng bị co hẹp mà bà con đang mong muốn có vùng dược liệu để phát triển nghề thuốc Nam kết hợp dịch vụ cho du lịch cộng đồng. Tất nhiên, bên cạnh hỗ trợ của thành phố, đồng bào cũng phải tích cực "vào cuộc". Đơn cử, dịch vụ tắm lá thuốc, nếu mở được tour du lịch đưa khách về, đồng bào cũng cần bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà tắm, bồn tắm, thuốc tắm...

Ngoài ra, để phát triển du lịch cộng đồng, bà con cần giữ gìn bản sắc văn hóa riêng có. “Ở các thôn đều đã xây dựng được nhà văn hóa khang trang. Tuy nhiên, đó là những công trình mang tính “phổ biến”, để bảo tồn nét văn hóa dân tộc Dao, bà con rất cần hỗ trợ khôi phục lại các nhà sàn truyền thống, các hoạt động sinh hoạt văn hóa đặc sắc...

Thoát nghèo, phát triển bền vững là câu chuyện lâu dài, đòi hỏi cả đầu tư sản xuất trên nền giữ gìn bản sắc văn hóa. Nhận diện rõ những khó khăn, điều kiện phát triển, cùng với sự hỗ trợ của thành phố, sự chủ động của bà con, tin rằng, An Phú và Ba Vì sẽ từng bước đi lên trong làm giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Tiếp sức thoát nghèo bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.