Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người lao động cần hiểu quyền lợi bảo hiểm

Bảo An| 15/12/2017 07:06

(HNM) - Vào những ngày cuối năm, trên chặng đường nước rút để đạt các mục tiêu đã đặt ra của ngành bảo hiểm xã hội, hai vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn ngành là khắc phục tình trạng nợ bảo hiểm và chống lạm thu Quỹ Bảo hiểm y tế.

Làm thủ tục khám và chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Thái Hiền


Không dám đòi quyền lợi

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội Đàm Thị Hòa cho biết, trong 11 tháng năm 2017, BHXH thành phố đã phối hợp với Công an thành phố, Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động thành phố, Cục Thuế TP Hà Nội tiến hành thanh tra liên ngành việc chấp hành chính sách pháp luật lao động, BHXH, Luật Công đoàn tại 84 đơn vị với số tiền nợ 90,7 tỷ đồng và đã thu được 10,1 tỷ đồng. Riêng với Công an Hà Nội, ngành BHXH thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu về các đơn vị sử dụng lao động, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), về việc đóng, quá trình đóng BHXH, BHYT theo yêu cầu; kết quả xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân. Hai bên phối hợp thực hiện kiểm tra tại 145 đơn vị với số tiền nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là 80,8 tỷ đồng, sau khi kiểm tra đã thu được 31,2 tỷ đồng.

BHXH Hà Nội đã lập 10 tổ công tác có nhiệm vụ giải đáp thắc mắc, tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và người lao động hằng tháng tại 10 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Đến nay, 50 buổi làm việc đã được thực hiện.

Mặc dù ngành BHXH đã có nhiều nỗ lực nhưng tại Hà Nội, số tiền nợ BHXH, BHYT tính hết tháng 11-2017 lên tới 2.851,3 tỷ đồng - chiếm 8,47% kế hoạch thu. Với số liệu này, Hà Nội vẫn là địa phương có số nợ tiền bảo hiểm cao nhất, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của 758.873 lao động.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này, theo BHXH Hà Nội, là nhiều doanh nghiệp khó khăn, làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán. Mặt khác, còn nhiều doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, đóng không đủ. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận người lao động về chính sách BHXH còn hạn chế, không dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình… Một nguyên nhân quan trọng nữa là công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa án hiện gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, từ tháng 1-2016 đến nay, cơ quan BHXH đã bàn giao hồ sơ của 492 đơn vị nợ BHXH và đề nghị tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa, song, hiện chưa có vụ án nào về nợ BHXH được tòa án thụ lý giải quyết.

Về công tác khám, chữa bệnh BHYT, tính đến hết tháng 9-2017, bội chi Quỹ BHYT trên địa bàn là hơn 600 tỷ đồng, do một số nguyên nhân: Tăng giá dịch vụ y tế; dịch sốt xuất huyết; do thông tuyến khám, chữa bệnh và chỉ định vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật không hợp lý; một số dịch vụ kỹ thuật có quy trình thực hiện giống nhau nhưng giá khác nhau và chênh lệch nhiều; các bệnh viện thường chọn dịch vụ kỹ thuật có giá cao hơn để thanh toán...

Tăng cường công tác truyền thông

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nhiều người lao động hiện vẫn chưa hiểu hết về quyền lợi khi tham gia BHXH. Vì vậy, trong thời gian tới, giải pháp quan trọng là tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Để đạt hiệu quả cao, việc tuyên truyền cần ngắn gọn và dễ hiểu. Bên cạnh đó, cần phân tích, phân loại doanh nghiệp nợ theo loại hình sản xuất, kinh doanh, số tháng nợ, trên cơ sở này đề xuất và phối hợp với cơ quan quản lý để xử lý vi phạm. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong, giải pháp truyền thông, đặc biệt là tăng cường đối thoại giữa cơ quan bảo hiểm và các doanh nghiệp cũng như người lao động là rất quan trọng, bởi từ ngày 1-1-2018, việc trốn đóng bảo hiểm cho người lao động có thể dẫn đến án phạt tù.

Liên quan tới quỹ BHYT, Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương Lê Lâm cho rằng, với các cơ sở y tế, để tránh lạm chi quỹ, việc cần quan tâm là xây dựng danh mục thuốc hợp lý. Danh mục này cũng là nguồn dữ liệu tốt về thuốc để sử dụng cho người bệnh một cách hợp lý. Ông Lê Lâm mong muốn cơ quan BHXH thanh toán chi phí liên quan tới dược lâm sàng. Lý do là bởi hiện nay, việc xây dựng đội ngũ dược sĩ lâm sàng để giúp bệnh nhân là hết sức cần thiết, nhất là để khắc phục tình trạng kháng thuốc; trong khi đó, chi phí cho dược sĩ lâm sàng của Viện lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.

Để khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT và bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trên địa bàn, Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa đề nghị các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp với cơ quan BHXH triển khai các giải pháp thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các đơn vị nợ. BHXH Hà Nội sẽ tích cực chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh, thực hiện nghiêm túc việc rà soát, chỉ định thuốc, dịch vụ hợp lý, giảm chi phí bình quân 10% so với năm 2016.

Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cũng đề nghị giám đốc các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT nâng cao trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước pháp luật việc quản lý sử dụng quỹ, việc đề nghị thanh toán BHYT đối với các chi phí không đúng quy định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người lao động cần hiểu quyền lợi bảo hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.