Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải cách hành chính - khâu đột phá phát triển Thủ đô

Hưng Thịnh| 31/12/2017 23:31

(HNMO) - Cải cách hành chính là một trong tám chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời được coi là một trong những khâu đột phá thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển...


“Một việc - một đầu mối xuyên suốt”

Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, năm 2017, thành phố tiếp tục quyết liệt, sâu sát trong công tác chỉ đạo, điều hành, cụ thể theo “5 rõ” (“rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”); “một việc - một đầu mối xuyên suốt” gắn với việc thực hiện “Năm kỷ cương hành chính”.

Trong đó, cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được thành phố quan tâm chỉ đạo, tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư; cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thăm bộ phận một cửa tại Bảo hiểm Xã hội Hà Nội.


Hiện nay, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố là 1.853 TTHC, trong đó có 1.410 thủ tục thuộc thẩm quyền cấp sở và cơ quan tương đương; 296 thủ tục thuộc thẩm quyền cấp huyện; 147 thủ tục thuộc thẩm quyền cấp xã. Thành phố đã sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Quyết định số 07/2016/QĐ - UBND về thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị thành phố đã tiếp nhận hơn 8,5 triệu hồ sơ TTHC (cấp sở, cơ quan tương đương tiếp nhận gần 0,7 triệu hồ sơ; UBND cấp huyện tiếp nhận gần 0,4 triệu hồ sơ; UBND cấp xã tiếp nhận 4,5 triệu hồ sơ); Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 98,93% (cấp sở, cơ quan tương đương giải quyết đạt tỷ lệ 98,39%; cấp huyện giải quyết đạt tỷ lệ 98,73%; cấp xã giải quyết đạt tỷ lệ 99,66%).

Theo ông Nguyễn Đình Hoa, năm 2017, thành phố hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy của các sở, các phòng, ban thuộc UBND các quận, huyện, thị xã; sắp xếp 70 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành 41 ban quản lý dự án (giảm 41,4%); hoàn thành việc tổ chức lại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, Quỹ phát triển đất thành phố, Quỹ Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường).

Bên cạnh đó, Hà Nội đã sắp xếp xong các đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố; các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, đa ngành, đa lĩnh vực và phù hợp với thực tiễn từ 607 đơn vị giảm xuống còn 376 đơn vị; quyết định thành lập trung tâm phát triển quỹ đất quận, huyện, thị xã trên cơ sở sáp nhập ban bồi thường giải phóng mặt bằng và chi nhánh trung tâm phát triển quỹ đất. Đây là lần kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy lớn nhất từ trước đến nay, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên triển khai quyết liệt và thành công, được Trung ương và dư luận đánh giá cao.

Năm 2017, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được quán triệt, chỉ đạo quyết liệt, triển khai tới từng cán bộ, công chức, viên chức. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, tạo chuyển biến khá rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ quan, đơn vị…

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, tạo chuyển biến rõ nét trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nội dung CCHC của thành phố. Trong đó chú trọng cải cách TTHC các lĩnh vực phục vụ doanh nghiệp và đời sống dân sinh (y tế, giáo dục, giao thông, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo vệ môi trường)…

Phấn đấu nhiều chỉ tiêu hoàn thành trước thời hạn

Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, tiếp tục triển khai thực hiện 8 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội, thành phố xác định chủ đề công tác năm là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.

Có thể nói, triển khai thực hiện hiệu quả chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” nhằm xây dựng chính quyền thành phố theo hướng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền từ thành phố đến cơ sở.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, năm 2018, thành phố sẽ triển khai quyết liệt và hoàn thành các nhiệm vụ, đề án theo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy, kế hoạch CCHC giai đoạn 5 năm 2016-2020 của UBND thành phố bảo đảm hoàn thành tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, phấn đấu có nhiều chỉ tiêu hoàn thành trước thời hạn.

Tiếp tục đơn giản hóa và nâng cao chất lượng giải quyết TTHC.


Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị đối với công tác CCHC; tạo sự thống nhất, quyết tâm cao về quan điểm, nội dung, cách làm giữa cấp ủy và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong CCHC. Đồng thời, Hà Nội chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), gắn với tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị…

Năm 2018, thành phố tiếp tục thực hiện tốt việc công khai, đơn giản hóa và nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố; định kỳ đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính các cấp; cải thiện và nâng cao sự hài lòng của người dân. Thành phố tăng cường các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, duy trì tổ công tác liên ngành của thành phố giải quyết một số TTHC thuộc lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng, tài nguyên môi trường.

Đồng thời, Hà Nội triển khai có hiệu quả hoạt động của Trung tâm giám sát, điều hành tập trung thành phố; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục coi đây là khâu đột phá trong CCHC để tạo cơ chế giám sát và điều kiện thuận lợi cho người dân trong các giao dịch hành chính; đề ra các giải pháp cụ thể, đồng bộ để triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cải cách hành chính - khâu đột phá phát triển Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.