Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm ngành Tài nguyên và Môi trường

Ánh Dương| 08/01/2018 15:50

(HNMO) - Ngày 8-1, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo hội nghị.


Năm 2017, ngành Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành việc lập, thẩm định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho 63/63 tỉnh, thành phố; rà soát ranh giới gần 32.200km, cắm gần 54.800 mốc, đo đạc lập bản đồ địa chính 1.336.000ha (đạt 95,1%); cả nước đã thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích khoảng 27.000ha để phục vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giải quyết nhà ở cho nhân dân; khai thác và đưa vào sử dụng hơn 10.000ha đất chưa sử dụng; xử lý và đưa vào sử dụng gần 78.000ha đất của các dự án chậm triển khai...

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khắc phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, bảo đảm công ty đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi đi vào vận hành chính thức; thanh tra, kiểm tra xử lý hơn 20 vụ việc, điểm nóng về môi trường tại các tỉnh, thành: Hà Tĩnh, Kiên Giang, Phú Yên, Hà Nội, Lào Cai, Bắc Ninh…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của ngành Tài nguyên và Môi trường, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Đồng thời, Phó Thủ tướng lưu ý ngành Tài nguyên và Môi trường còn những tồn tại, hạn chế: Công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện phức tạp; tình trạng khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép xảy ra ở một số nơi; tình hình ô nhiễm môi trường ở một số khu, cụm công nghiệp, đô thị và nông thôn có nơi còn rất nghiêm trọng; tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước xảy ra ở nhiều nơi; ở một số địa phương, năng lực thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế, buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật nhất là trong quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường...

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2018 là năm bản lề của kế hoạch 5 (năm 2016-2020), có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra, vì vậy, ngành Tài nguyên và Môi trường phải tập trung triển khai thực hiện hiệu quả 8 nhiệm vụ trọng tâm. 

Một là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển…;

Hai là rà soát, cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, nhất là các quy hoạch quản lý, khai thác tài nguyên (đất, nước, khoáng sản, biển)…, tạo đột phá trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất…;

Ba là có các giải pháp trước mắt và lâu dài bảo đảm an ninh nguồn nước, chủ động tham mưu, đề xuất với Chính phủ để đàm phán thiết lập cơ chế chia sẻ nguồn nước liên quốc gia…;

Bốn là tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch và kế hoạch, đồng thời tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là công tác hậu kiểm, kiểm soát có hiệu quả sản lượng khai thác, hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép…;

Năm là thực hiện tốt công tác kiểm soát, bảo vệ môi trường, tổng điều tra, rà soát, phân loại, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nhất là các nguồn thải ra sông, ra biển;

Sáu là cải tạo, phục hồi các khu vực ô nhiễm, chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học…;

Bảy là tăng cường hơn nữa chất lượng công tác dự báo khí tượng, thủy văn, cảnh báo thiên tai để phục vụ yêu cầu ngày càng cao của xã hội, góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân…;

Tám là huy động nguồn lực quốc tế, nguồn lực xã hội triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm ngành Tài nguyên và Môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.