Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỷ cương hành chính là nền tảng

Phong Thu| 25/01/2018 07:11

(HNM) - Thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017”, TP Hà Nội đã tạo được sự thay đổi tích cực trong tư duy, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, mang lại sự hài lòng cho tổ chức, công dân.

Năm 2017, Chỉ số cải cách hành chính của TP Hà Nội cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: Bá Hoạt


Từ cơ chế “xin - cho” sang phục vụ

Dấu ấn của “Năm kỷ cương hành chính 2017” thể hiện rõ nét trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội. Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, thành phố đã rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật, chuẩn hóa thủ tục hành chính. Việc công khai thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm, thẩm quyền đã được các đơn vị thực hiện nghiêm túc.

Đến nay, 100% quận, huyện, thị xã và 11/24 đơn vị khối sở, ngành đã triển khai đề án “Hướng dẫn các cơ quan đơn vị thực hiện khảo sát, đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước thuộc TP Hà Nội”.

Từ đây, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện trên tinh thần “lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc”. Chất lượng giải quyết công việc được nâng lên, nền hành chính chuyển từ cơ chế “xin - cho” sang phục vụ. Sự hài lòng của người dân khi đến cơ quan hành chính nhà nước ngày càng được nhân lên.

Tinh thần của “Năm kỷ cương hành chính” được nhiều địa phương cụ thể hóa bằng những cách làm sáng tạo, tác động mạnh tới tác phong làm việc của cán bộ, công chức. Tiêu biểu như quận Long Biên đã thực hiện nguyên tắc "3 theo" (điều hành theo quy chế, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, giải quyết công việc theo quy trình) và "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả).

Còn tại huyện Gia Lâm, 100% cơ quan và hầu hết xã, thị trấn đều xây dựng quy trình nội bộ giải quyết công việc. Qua đó, 72 quy trình nội bộ đã được ban hành và áp dụng tại cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp và 159 quy trình nội bộ áp dụng tại các xã, thị trấn. Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần khẳng định, từ việc rõ quy trình, cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân nên tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính của UBND huyện và UBND các xã trên địa bàn đạt hơn 90%.

Trong khi đó, UBND quận Nam Từ Liêm không chỉ giải quyết hồ sơ hành chính theo quy định mà luôn tìm cách đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho công dân. Phó Trưởng phòng Nội vụ quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thu Hiền cho biết: Trong lĩnh vực tư pháp, quận đã giải quyết liên thông “3 trong 1”, gồm thủ tục đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, thời gian giải quyết giảm từ 7 ngày còn 3 ngày. Tiếp đến, quận thực hiện liên thông “2 trong 1” thủ tục đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú, thời gian giải quyết từ 6 ngày còn 2 ngày. Ngoài ra, 7 thủ tục thuộc nhóm đăng ký khai sinh, khai tử cũng được thay đổi, thay vì phải đi lại 2 lần và chờ kết quả trong 1 ngày làm việc, công dân chỉ phải đến 1 lần và nhận kết quả trong vòng 2 giờ kể từ lúc nộp hồ sơ.

Điều dễ nhận thấy là hầu hết cơ quan hành chính đều tuân thủ đúng thời gian và sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc cũng như có tinh thần xây dựng chính quyền thân thiện, trách nhiệm khi phục vụ. Những người làm việc tại bộ phận “một cửa” niềm nở, lịch sự hơn khi giao tiếp với người dân. Không chỉ vậy, nhiều cán bộ, công chức còn mang trả kết quả lĩnh vực tư pháp tại nhà nếu công dân yêu cầu. Hiệu quả được khẳng định khi tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 98,93% (các sở đạt 98,93%, cấp huyện 98,73%, cấp xã 99,66%)...

Việc gì làm được tốt hơn cho dân, cố gắng thực hiện

Hướng dẫn người dân tìm hiểu thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền


Dù vậy, trong nỗ lực chung của toàn thành phố trong “Năm kỷ cương hành chính 2017” vẫn còn hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Đó là việc phục vụ người dân chưa hết tinh thần trách nhiệm, thái độ chưa đúng mực; việc trả hồ sơ còn chậm muộn… gây bức xúc cho công dân. Song, tín hiệu tích cực là đơn vị nào để xảy ra sai phạm, ngay sau đó đều có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời.

Đã bước vào “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018” được gần 1 tháng, thành phố xác định, cải cách hành chính, nâng cao kỷ luật, kỷ cương công vụ tiếp tục được thực hiện với yêu cầu cao hơn. Để thực tốt điều này, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc cụ thể hóa nội dung chủ đề công tác, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính.

Trong năm nay, thành phố sẽ lắp camera tại những nơi có giao dịch, giải quyết công việc của tổ chức, công dân nhằm tạo cơ chế để người dân giám sát hoạt động công vụ. Bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, coi đây là khâu đột phá trong cải cách hành chính, thành phố sẽ kịp thời phát hiện gương điển hình tiên tiến để nhân rộng và kiên quyết xử lý người vi phạm...

Kết quả đạt được trong “Năm kỷ cương hành chính 2017” là nền tảng để Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ chủ đề năm 2018 trên tinh thần, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm “thước đo”. Đặc biệt là, các cấp, các ngành của thành phố sẽ tiếp tục rà soát, việc gì có thể làm được tốt hơn cho người dân thì cố gắng thực hiện để nâng cao điều kiện bảo đảm an sinh xã hội.

Năm 2017, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị TP Hà Nội trong cải cách hành chính đã thể hiện rõ qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước đến nay; Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 3 cả nước (tăng 6 bậc).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ cương hành chính là nền tảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.