Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên Việt Nam đang ngày càng gia tăng

Theo Việt Nam plus| 06/02/2018 17:19

Những người có biểu hiện rối loạn về sức khỏe tâm thần không được điều trị thường có ý định và hành động tự sát. Thế nhưng, thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần đang dẫn tới việc không ngăn ngừa được tình trạng tự tử.

Tư vấn cho trẻ em. (Ảnh minh họa: TTXVN)


Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo chia sẻ báo cáo kết quả nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức ngày 6-2 tại Hà Nội.

Báo cáo nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam chỉ ra rằng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần, tâm lý xã hội còn hạn chế và thường tập trung vào những rối loạn sức khoẻ tâm thần nặng. Dịnh vụ này đang được cung cấp thông qua các trung tâm bảo trợ xã hội, bệnh viện tâm thần và các phòng tư vấn tâm lý trong trường học nhưng độ bao phủ còn thấp.

Đặc biệt, bác sỹ về chuyên khoa tâm thần nhi cũng rất ít ở Việt Nam. Chính vì vậy, chuyên sâu về chẩn đoán điều trị cho tâm thần nhi hiện nay rất hạn chế.

Nghiên cứu này khẳng định tự tử và nỗ lực tự tử đặc biệt ở trẻ em và thanh niên là một vấn đề ở Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên Việt Nam tương đối thấp so với các nước trong khu vực nhưng tình trạng này ngày càng đáng lo ngại khi tỷ lệ tự tử ở Việt Nam đang gia tăng và cần phải có hành động để giải quyết vấn đề này.

Những người được phỏng vấn có xu hướng cho rằng trẻ em gái nhạy cảm với vấn đề tự tử hơn trẻ em trai. Ngoài ra, ở Điện Biên, lá ngón có độc dường như khiến việc tự tử dễ dàng hơn, đặc biệt đối với những em gái người Mông do các em sống gần nơi có lá ngón. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu có rất ít số liệu để chứng minh điều này.

Ông Friday Nwaigwe, Trưởng Chương trình Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em, UNICEF Việt Nam nhấn mạnh: "Các vấn đề về sức khỏe tâm thần xảy ra khi còn nhỏ sẽ làm tốn nhiều chi phí ở tuổi trưởng thành. Nếu không được điều trị, những điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, thành tựu học tập và tiềm năng của các em, làm cho các em không có được cuộc sống đầy đủ và hữu ích".

Phát biểu tại hội thảo, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đánh giá cao việc chia sẻ kết quả của báo cáo này và nhấn mạnh rằng những phát hiện này cung cấp bằng chứng thực tế nhằm giúp các ngành và các địa phương xây dựng và triển khai hệ thống dịch vụ toàn diện để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ về sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên Việt Nam đang ngày càng gia tăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.