Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Đẩy lùi" bếp than tổ ong: Cần thêm những cải tiến hiệu quả

Nguyễn Mai| 13/02/2018 06:49

(HNM) - Nhằm cải thiện chất lượng không khí và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô, UBND TP Hà Nội triển khai chương trình thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến, thân thiện với môi trường.

Biết hại vẫn phải dung

Bà Vũ Thị Thực ở tổ 5, phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) đang sử dụng bếp than tổ ong, cho hay, bà chọn bếp này bởi khá tiết kiệm. Không chỉ bà Thực, bà Phan Thị Thanh ở tổ 8 (cùng phường) cũng sử dụng bếp than tổ ong hằng ngày. Bà cho biết, nhà chật, lại xây dựng lâu năm, đường dây tải điện cũ, nên không dám sử dụng bếp điện do sợ chập cháy...

Người dân phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) tìm hiểu một số bếp đun cải tiến.


Theo ông Trần Nhật Lân, Tổ trưởng tổ 11, phường Trúc Bạch, cả tổ có 18 hộ đun than tổ ong. Dùng than tổ ong có ưu điểm là chi phí thấp. Tuy nhiên, quá trình gây bếp và đun bếp phát sinh khói, khí thải độc hại. Còn theo Phó Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Xuân Minh, trên địa bàn phường có 150 hộ sử dụng than tổ ong, nhiều nhất ở khu vực chợ (nơi tập trung các hộ kinh doanh ăn uống, quán nước…).

Đây cũng là thực tế chung ở nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố. Theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thành phố có khoảng 55.000 bếp than tổ ong đang sử dụng. Trong đó, tỷ lệ bếp tại các quận nội thành chiếm 63% (do tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, quán nước trên vỉa hè...); các huyện ngoại thành chỉ chiếm 37%. Trung bình, TP Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than/ngày. Theo đó, phát thải tương đương 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí.

Bếp thay thế chưa hiệu quả

Từ năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tìm giải pháp thay thế bếp than tổ ong. Trong đó, có việc tìm kiếm các nguồn cung cấp bếp đun sạch, bếp cải tiến thân thiện với môi trường nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Hà Nội; phối hợp với UBND quận Ba Đình và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) triển khai thí điểm mô hình tuyên truyền về tác hại của bếp than tổ ong, giới thiệu các bếp thân thiện với môi trường. Từ đó, làm cơ sở xây dựng lộ trình, giải pháp hạn chế và tiến tới không sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố đến năm 2020.

Mới đây, hội nghị triển khai mô hình thí điểm sử dụng bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong trên địa bàn phường Trúc Bạch đã thu hút hàng trăm người dân đến dự. Điều đó cho thấy, người dân rất quan tâm đến việc tìm kiếm giải pháp thay thế bếp than tổ ong. Tại hội nghị, một số nhà sản xuất bếp đã giới thiệu với bà con về bếp thân thiện với môi trường như bếp Thế hệ xanh, Tre xanh. Tuy vậy, qua tìm hiểu, người dân vẫn còn băn khoăn. Bà Phan Thị Thanh, tổ 8 phường Trúc Bạch cho hay: “Do nhà chật nên gia đình thường sử dụng bếp than ngoài hiên và để luôn ngoài đó không cất. Nếu dùng bếp cải tiến, giá trị hơn thì phải cất vào nhà, trong khi diện tích chật chội nên tôi sẽ cân nhắc kỹ trước khi mua”.

Mặt khác, nhiều hộ dân so sánh, sử dụng bếp cải tiến chi phí vẫn cao hơn so với bếp than tổ ong truyền thống. “Than tổ ong đang có giá 3.000 đồng/viên; với bếp cải tiến, giá nguyên liệu từ 3,5 đến 4 nghìn đồng/kg. Thời gian cháy hết 1 viên than tổ ong khoảng 4 tiếng thì thời gian cháy hết 1kg nguyên liệu của bếp cải tiến chỉ khoảng 2 tiếng. Việc mua nguyên liệu để đun cũng chưa thuận lợi. Nếu như nhiều hộ sử dụng thì công ty mới đặt điểm cung cấp nguyên liệu, ít hộ sử dụng thì việc mua nguyên liệu sẽ phức tạp hơn…” - ông Trần Nhật Lân - Tổ trưởng tổ dân phố số 11 cho biết.

Theo ông Lân và nhiều người dân, để đạt hiệu quả cao hơn trong việc đẩy lùi bếp than tổ ong, các nhà sản xuất bếp đun cải tiến cần tiếp tục nghiên cứu để sản xuất các bếp hiệu quả hơn. Nếu có bếp hiệu quả hơn thay thế, chắc chắn sẽ thuyết phục được số đông người tiêu dùng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Đẩy lùi" bếp than tổ ong: Cần thêm những cải tiến hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.