Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bỏ định kiến, tăng nguồn hiến tạng

Thu Trang| 10/03/2018 07:47

(HNM) - Những ngày qua, câu chuyện bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiến giác mạc sau khi qua đời vì bệnh nặng đã lay động trái tim và phá bỏ định kiến của hàng triệu người. Chỉ trong 10 ngày (từ 25-2 đến 6-3) đã có 765 người đến Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời. Dù số người tự nguyện hiến tạng đã tăng nhưng vẫn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế hiện nay.

Một ca ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh).


Hàng chục nghìn người chờ “hồi sinh”

Việt Nam hiện có 18 trung tâm ghép tạng và trình độ ghép tạng ở nước ta được đánh giá ngang tầm với các nước trên thế giới. Ngoài ghép thận, các bác sĩ đã thực hiện thành công việc ghép gan, tim, phổi, tụy… Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn hiến mô, tạng còn hạn chế.

GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Ðức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ, nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam rất lớn và đang tăng nhanh. Hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang phải đấu tranh giành giật sự sống từng ngày, chờ đợi được ghép gan, thận, tim… Tuy nhiên, do khan hiếm nguồn tạng, nhiều bệnh nhân đã tử vong trong thời gian chờ ghép.

GS.TS Trịnh Hồng Sơn dẫn chứng về trường hợp không vui xảy ra tại Hà Nội: Người anh bị chết do tai nạn giao thông, vợ con và gia đình đã đồng ý hiến thận của người anh cho một người em trai. Thế nhưng, đến phút cuối cùng, khi tiến hành các thủ tục ghép, người em út trong gia đình lại không đồng ý. Kết quả, người em kia đã chết vì không có thận để ghép. Hay có trường hợp cả gia đình đã đồng ý hiến tạng khi người thân của họ qua đời, các bệnh nhân được nhận đã sẵn sàng cho ca phẫu thuật thì một người trong số đó thay đổi quan điểm. Vậy là việc ghép đành bị hoãn và các bệnh nhân đang chờ lại rơi vào vô vọng...

Nhu cầu ghép mô, tạng rất lớn nhưng từ năm 2006 đến nay, cả nước mới có hơn 1.000 người được ghép mô, tạng, trong đó, nguồn tạng chủ yếu từ người đang sống, thường là người thân hiến một quả thận, một phần gan. Trong khi đó, thống kê tại một số bệnh viện lớn như Hữu nghị Việt - Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy…, trung bình một ngày có 2-4 bệnh nhân chết vì chấn thương sọ não. Thậm chí, có ngày, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức có đến 18 ca chết não (do tai nạn giao thông, chấn thương sọ não…) nhưng không có trường hợp nào tự nguyện hiến mô, tạng. Trong khi đó, một người chết não hiến tạng có thể cứu sống hơn 10 người khác. Nếu như trên thế giới, hơn 90% ca ghép tạng được lấy từ người cho chết não thì tại Việt Nam, nguồn tạng lấy được từ người cho chết não chỉ chiếm gần 10%.

Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, ngành Y tế không khuyến khích nhận tạng từ người cho sống mà muốn thực hiện các ca ghép lấy mô, tạng từ người cho chết não. Hằng năm, số lượng người tử vong do tai nạn giao thông, tai nạn lao động rất lớn, chỉ cần một số ít gia đình đồng ý hiến tạng sẽ cứu được rất nhiều người. Thế nhưng, do nhận thức, quan niệm “chết phải toàn thây” nên nhiều người không có ý định hiến mô, tạng sau khi họ hoặc thân nhân của họ qua đời.

Trách nhiệm của cả cộng đồng

Tại Việt Nam hiện có hơn 10.000 người suy tạng cần ghép, khoảng 300.000 người bị bệnh lý giác mạc mà không có giác mạc thay thế. Do đó, việc gia đình những bệnh nhân chết não hiến tặng mô, tạng là nghĩa cử cao đẹp và cần được nhân rộng.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, câu chuyện của bé Nguyễn Hải An khiến nhiều người từng có ý định đăng ký hiến mô, tạng không còn lý do để chần chừ. Trong 10 ngày qua, số người đăng ký hiến mô, tạng tăng gấp 100 lần so với ngày thường, cho thấy giá trị nhân văn từ hành động của bé Nguyễn Hải An được lan tỏa rộng rãi.

Tại Bệnh viện Mắt trung ương, mỗi ngày có ít nhất 1 bệnh nhân đăng ký chờ ghép giác mạc. Thế nhưng, mỗi năm chỉ có khoảng 100-150 giác mạc được cung cấp để ghép. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt trung ương) chia sẻ, sau ca hiến giác mạc đầy cảm động của bé Nguyễn Hải An, những ngày qua, Ngân hàng Mắt liên tục nhận được các ca đăng ký hiến giác mạc. Cụ thể, Ngân hàng Mắt đã nhận được 13 ca hiến trong khi cả năm 2017 mới có 77 ca hiến tặng. Với những trường hợp giác mạc mờ đục có thể được thay thế bằng một giác mạc trong suốt khỏe mạnh từ những người hiến tặng để phục hồi thị lực. Chỉ cần một người đồng ý hiến giác mạc khi qua đời sẽ có thể giúp hai người thoát khỏi cảnh mù lòa.

Để tiếp tục tăng nguồn hiến mô, tạng, giúp nhiều người bệnh được “hồi sinh”, nếu chỉ riêng thầy thuốc thì không thể làm tốt việc này mà cần phải có sự vào cuộc của cả cộng đồng. Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, quan trọng nhất vẫn là phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, làm sao để mỗi người nhận thấy rằng, “sinh có hẹn, tử bất kỳ” nhưng nếu ai đó quyết định hiến tặng mô, tạng khi không may qua đời, họ sẽ mang lại cơ hội cứu sống cho nhiều người bệnh. Khi một người mất đi với ý định hiến tặng mô, tạng cho đời thì người đó sẽ sống mãi trong niềm yêu thương, tôn kính của mọi người.

Hiện có hai địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam để đáp ứng nguyện vọng đăng ký hiến tạng cứu người khi qua đời là Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) và Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ định kiến, tăng nguồn hiến tạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.