Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội và rủi ro khi "nhảy việc"

Linh Chi| 14/03/2018 07:23

(HNM) - Dù đã giảm nhiều so với những năm trước nhưng tình trạng “nhảy việc” sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất vẫn diễn ra tại một số doanh nghiệp.


Chăm chú đọc các quảng cáo tuyển dụng công nhân ở cổng Khu công nghiệp Thăng Long, chị Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1996, quê Hà Tĩnh, trọ tại làng Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh) chia sẻ, chị muốn tìm công việc mới để có môi trường làm việc phù hợp và mức lương tốt hơn. Ở công ty chị đang làm, công việc theo dây chuyền nhàm chán, lại toàn phụ nữ; lương thấp, thưởng cuối năm không nhiều. Hiện tại với lương cơ bản và trợ cấp hơn 4 triệu đồng/tháng, chị Tâm phải rất tiết kiệm mới đủ tiền nhà trọ và chi phí sinh hoạt. Trong khi, ngoài chi tiêu cho cá nhân, chị muốn được làm tăng ca để có thêm tiền gửi về quê giúp bố mẹ. Vì thế, chị Tâm bỏ công việc đang làm và muốn tìm một công ty mới ổn định hơn, tăng ca càng nhiều càng tốt...

Cùng tâm trạng chán cảnh lương thấp, công việc gò bó, không phù hợp nên anh Lê Văn Tuấn (quê Thanh Hóa, công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) muốn tìm cho mình cơ hội tốt hơn. Với mức lương chỉ được hơn 4,5 triệu đồng/tháng nên tháng nào anh cũng tiêu hết. Theo anh Tuấn, do không được làm tăng ca nên so với các bạn khác, thu nhập của anh thấp hơn, lại có nhiều thời gian rỗi khiến anh càng tiêu nhiều tiền hơn. Để thay đổi hoàn cảnh hiện tại, anh đang tìm một công ty khác để xin việc.

Không chỉ những người như chị Tâm, anh Tuấn mới tìm cách “nhảy việc”, một số công nhân khác lại cho rằng, mình còn trẻ, cần làm việc tại nhiều nơi để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm nên cũng muốn chuyển sang doanh nghiệp khác sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Song, cũng không ít người do tìm hiểu không kỹ điều kiện, chế độ, giờ giấc, ca kíp... nên khi bắt tay vào việc mới phải chịu áp lực lớn, không phù hợp nên lại muốn thay đổi.

Mặt khác, về phía các doanh nghiệp, do một số công ty bị thiếu hụt lao động dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút lao động. Có trường hợp doanh nghiệp đưa ra mức lương và chế độ, chính sách đãi ngộ hấp dẫn nhằm lôi kéo công nhân lành nghề. Nhưng khi vào làm việc, doanh nghiệp lại tìm nhiều lý do để không thực hiện đầy đủ những cam kết đã thỏa thuận với người lao động khi tuyển dụng. Vì thế người lao động tiếp tục phải nghỉ việc, tìm chỗ làm khác phù hợp hơn. Tình trạng này khiến không ít công ty đối mặt với nỗi lo thiếu công nhân, nhất là ở các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, điện tử.

Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Trần Thu Phương cho biết, so với các năm trước, năm nay, tình trạng công nhân “nhảy việc” giảm đáng kể, khoảng vài người đến 10 người lao động/doanh nghiệp. Kết quả khả quan này là do doanh nghiệp đã áp dụng nhiều chính sách đãi ngộ như thăm hỏi động viên người lao động khi ốm đau, tổ chức cho người lao động đi tham quan, nghỉ mát, nhất là chi trả lương, thưởng ổn định, đưa đón miễn phí công nhân về quê ăn Tết… Qua đó, người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Tuy vậy, một người lao động rời bỏ vị trí làm việc đồng nghĩa với sự thiếu khuyết về nhân sự, ảnh hưởng tới năng suất và tiến độ của cả dây chuyền. Để tránh tình trạng “nhảy việc” đầu năm, gây xáo trộn nhân sự, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cần có sự chung tay từ nhiều phía và điều quan trọng là người lao động cần tỉnh táo lựa chọn. Trên thực tế, không ít lao động sau khi thay đổi môi trường làm việc đã không theo kịp tiến độ, không hòa nhập được với đồng nghiệp mới nên hiệu suất lao động không cao, thu nhập không như mong muốn nên lại tìm việc khác. Tổ chức Công đoàn cần phối hợp chăm lo, bảo đảm quyền lợi và tuyên truyền, động viên người lao động kịp thời; đặc biệt phải đồng hành, hỗ trợ người lao động trong định hướng, lựa chọn công việc phù hợp với trình độ, điều kiện, khả năng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn trong quản lý nguồn nhân lực cùng các chính sách đãi ngộ nhằm giữ chân người lao động để hoạt động sản xuất, kinh doanh được ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội và rủi ro khi "nhảy việc"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.