Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục tình trạng nợ bảo hiểm xã hội: Những hiệu ứng tích cực

Quỳnh Phạm| 17/04/2018 07:01

(HNM) - Với tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cao hơn mức trung bình của cả nước, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp cụ thể để khắc phục.


Giảm 19% tiền nợ

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội, hiện toàn thành phố có trên 71 nghìn đơn vị đã tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 12,5% so với năm 2016, trong đó số tăng mới là 10.684 doanh nghiệp với hơn 35 nghìn lao động tham gia. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp tham gia còn thấp, chưa tới 50% (so với tổng số doanh nghiệp thực tế). Nhiều đơn vị nợ BHXH, BHYT nhiều tỷ đồng trong thời gian nhiều năm.

Việc thực hiện nghiêm các quy định về đóng bảo hiểm xã hội sẽ góp phần bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Ảnh: Nhật Nam


Trước tình hình đó, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH TP Hà Nội, cho biết: Ngay từ đầu năm 2018, BHXH đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu nợ BHXH, BHYT và chủ động phối hợp với các sở, ngành thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ BHXH. Việc đôn đốc được thực hiện qua hình thức gửi văn bản thư điện tử và gửi qua bưu điện đến gần 30 nghìn đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH.

Việc tăng cường thanh tra, kiểm tra đã đem lại những hiệu ứng tích cực. Sau khi Thanh tra thành phố gửi thông báo kế hoạch thanh tra đến 284 doanh nghiệp, trong tháng 1-2018 có 129 doanh nghiệp đã nộp ngay số tiền 30,7 tỷ đồng. Sau khi 4 đoàn thanh tra được thành lập, thanh tra 80 doanh nghiệp, kết quả đã thu được 16,4/31,7 tỷ đồng nợ BHXH, BHYT, đạt 52,1%. BHXH thành phố cũng đã phối hợp với Công an thành phố ban hành quyết định kiểm tra 12 đơn vị, số tiền nợ 1,45 tỷ đồng, kết quả thu được 1,1 tỷ đồng, đạt 75,8% (trong đó 9 đơn vị nộp tiền, đã được dừng kiểm tra). Những biện pháp cụ thể nói trên đã góp phần giảm số tiền nợ BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố còn 1.967 tỷ đồng, giảm gần 19% so với cùng kỳ năm 2017.

Không khoanh lãi, khoanh nợ

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, mặc dù BHXH thành phố đã rất tích cực và chủ động tìm nhiều biện pháp để giảm tỷ lệ nợ ngay từ những ngày đầu năm, tình trạng nợ khó đòi kéo dài ở một số loại hình doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao. Tổng số tiền nợ của thành phố hiện vẫn cao hơn mức trung bình của cả nước (dưới 3%). Trong 3 tháng đầu năm, có tới 25.351 đơn vị nợ BHXH, BHYT, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của 376.219 người lao động. Để đạt mục tiêu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT trên 80% và giảm tỷ lệ nợ xuống dưới 3,5%, BHXH thành phố cho biết sẽ thực hiện việc phân tích, phân loại nợ gửi các ngành, từ đó tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật.

Từ ngày 1-1-2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực, quy định hành vi gian lận, trốn đóng… BHXH sẽ bị xử lý hình sự. Theo đó, nếu trốn đóng BHXH cho người lao động, chủ doanh nghiệp có thể phải lĩnh án tới 7 năm tù. Do đó, việc tuyên truyền chính sách pháp luật càng được chú trọng tăng cường bên cạnh việc công khai danh sách các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT trên các phương tiện truyền thông.

Với tinh thần cố gắng không hình sự hóa các trường hợp nợ BHXH mà sẽ có sự hướng dẫn, vận động, tạo điều kiện để các đơn vị hoàn thành nghĩa vụ, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, trước khi kết thúc quý I-2018, BHXH thành phố đã tổ chức gặp mặt, đối thoại với 10 doanh nghiệp có nợ BHXH, BHYT lớn, trong thời gian dài trên địa bàn. Trước đó, BHXH Hà Nội đã công khai danh sách 500 doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài 6-24 tháng, với hơn 322,8 tỷ đồng nợ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 16.500 lao động.

Tổng số tiền BHXH 10 doanh nghiệp nói trên đang nợ là 22,4 tỷ đồng với 311 lao động chưa được xác nhận sổ BHXH và 76 lao động chưa được thanh toán chế độ bảo hiểm 728 triệu đồng. Doanh nghiệp nợ cao nhất trên 6 tỷ đồng, thấp nhất là trên 300 triệu đồng, thời gian nợ dài nhất là 112 tháng, ngắn nhất là 6 tháng. Đa số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp, giao thông, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh từ nhiều năm nay. Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, từ đầu năm 2018 tới nay thiếu việc làm, phải cho công nhân viên nghỉ việc. Các đơn vị đều gặp khó khăn về nguồn tiền do nhiều công trình đã bàn giao nhưng chủ đầu tư chưa thanh toán, quyết toán, đơn vị không có khả năng chi trả lương và nộp tiền BHXH, BHYT. Có doanh nghiệp phải gánh nợ sau tái cơ cấu bộ máy quản lý. Đại diện các đơn vị đề nghị được BHXH Hà Nội khoanh nợ, miễn tính thuế cho các khoản nợ.

Sau khi giải đáp nhiều băn khoăn từ phía các doanh nghiệp, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội Vũ Đức Thuật chia sẻ: Là cơ quan thực hiện pháp luật, BHXH cam kết đồng hành với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bằng cách áp dụng linh hoạt các quy định của pháp luật để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, BHXH Hà Nội không có thẩm quyền quyết định việc khoanh lãi, khoanh nợ cho các đơn vị mà thực hiện đúng quy định pháp luật. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trước mắt cơ quan BHXH sẽ chỉ đạo các cơ quan quản lý thu rà soát, cho phép doanh nghiệp tách đóng để có thể chốt sổ cho người lao động.

Cuộc đối thoại nói trên đã ghi nhận thiện ý của một số doanh nghiệp muốn khắc phục tình hình và cam kết sẽ hoàn thành đóng các khoản BHXH cho người lao động trước ngày 5-5-2018. Sau ngày này, các công ty không thực hiện, BHXH sẽ phối hợp với liên ngành hoàn thiện hồ sơ đề nghị cơ quan Công an xử lý theo pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục tình trạng nợ bảo hiểm xã hội: Những hiệu ứng tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.