Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án Xây dựng chợ nguyên liệu gỗ xã Vân Hà (Đông Anh): Vì sao chưa thể triển khai?

Nguyên Hà| 17/04/2018 07:21

(HNM) - Hơn một năm nay Dự án Xây dựng chợ nguyên liệu gỗ xã Vân Hà vẫn chưa được triển khai. Vậy đâu là nguyên nhân?

Khu đất thực hiện dự án xây dựng chợ nguyên liệu gỗ xã Vân Hà, huyện Đông Anh.


Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Vân Hà là xã có nghề truyền thống chế tác các sản phẩm từ nguyên liệu gỗ. Sản phẩm mỹ nghệ thủ công của Vân Hà đã có mặt trên các thị trường trong và ngoài nước. Cũng vì thế, nhu cầu trao đổi, mua bán nguyên liệu gỗ tại địa phương ngày càng cao. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên địa bàn xã cũng như các địa phương lân cận vẫn chưa có một địa điểm để trao đổi, mua bán nguyên liệu gỗ được xây dựng tập trung, đúng quy hoạch. 

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ và bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống làng nghề, ngày 11-1-2016, UBND huyện Đông Anh có Quyết định 42/QĐ-UBND phê duyệt kết quả đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án xây dựng chợ nguyên liệu gỗ xã Vân Hà. Theo đó, chợ nguyên liệu gỗ Vân Hà có diện tích 48.725m2, với 5 nhà cầu chợ 1 tầng có kết cấu thép. Ngoài ra, dự án còn có các công trình hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, trạm biến áp, hệ thống xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy… Tổng kinh phí thực hiện dự án lên đến hơn 106 tỷ đồng, lấy từ nguồn vốn huy động hợp pháp của nhà đầu tư trúng thầu là Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam. Đây là dự án được thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

Để thực hiện công tác thu hồi đất và bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, ngày 23-6-2016, UBND huyện Đông Anh có Quyết định 1832/QĐ-UBND, giao Ban quản lý dự án huyện thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB. Ngày 13-10-2016, UBND huyện có Văn bản 1106/UBND-TNMT áp dụng đơn giá đất nông nghiệp (135.000 đồng/m2) làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ đối với 257 hộ dân có đất nông nghiệp thuộc ba thôn: Thiết Bình, Thiết Ứng và Cổ Châu nằm trong diện bị thu hồi đất. Sau khi tiến hành xong các thủ tục pháp lý, cuối năm 2016 UBND huyện Đông Anh có thông báo thu hồi đất đến từng hộ gia đình, song nhiều hộ dân đã phản đối dự án này.

Vì sao nhiều hộ dân chưa đồng thuận?

Theo bà Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch UBND xã Vân Hà, đến thời điểm này tổ công tác GPMB xã Vân Hà đã kê khai kiểm đếm, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đến 180 hộ có đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/CP và 20 hộ đang thuê thầu đất công do UBND xã quản lý, bàn giao cho Ban quản lý dự án huyện Đông Anh trên 35.000m2 đất. Cho rằng giá bồi thường đất so với mặt bằng chung còn thấp nên hơn 1 năm nay, 54 trường hợp có đất nông nghiệp ở 3 thôn (Cổ Châu, Thiết Bình, Thiết Ứng) vẫn chưa phối hợp với tổ công tác kê khai, xác minh nguồn gốc sử dụng đất. Không chỉ vậy, khi tiếp xúc với phóng viên, một số trường hợp còn bày tỏ quan điểm, cho rằng việc UBND huyện Đông Anh thông báo thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp xây dựng chợ gỗ, phục vụ mục đích kinh doanh thì người dân phải có quyền tự thỏa thuận mức giá bồi thường giải phóng mặt bằng với chủ đầu tư. Cũng vì lý do này, việc thu hồi đất phục vụ dự án xây dựng chợ nguyên liệu gỗ xã Vân Hà hơn 1 năm nay vẫn chưa được triển khai theo tiến độ.

Ông Ngô Xuân Tiến, cán bộ Ban quản lý dự án huyện Đông Anh cho biết, những đề nghị người dân đưa ra không có cơ sở để giải quyết. Bởi căn cứ Khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 thì Dự án xây dựng chợ nguyên liệu gỗ xã Vân Hà là dự án phục vụ phát triển kinh tế, vì lợi ích quốc gia, cộng đồng. Do được UBND TP Hà Nội phê duyệt (theo Quyết định 5376/QĐ-UBND) thực hiện theo hình thức xã hội hóa nên trước khi triển khai, UBND huyện Đông Anh có trách nhiệm phải thu hồi đất bàn giao cho chủ đầu tư. Cũng theo ông Tiến, sở dĩ đến nay một số hộ dân vẫn chưa đồng tình với chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là do 10 năm nay, những hộ dân này vẫn bám mặt đường để buôn bán gỗ và tự ý xây dựng, hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp.

Dự án Xây dựng chợ nguyên liệu gỗ xã Vân Hà vì sự phát triển dài lâu của làng nghề, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, vì thế rất cần sự đồng thuận của người dân, nhưng cũng cần có biện pháp kiên quyết để giữ vững kỷ cương và bảo đảm sự công bằng tại cơ sở. Để dự án được triển khai đúng tiến độ, thực tế cho thấy đang rất cần có các giải pháp phù hợp, trước hết là bảo đảm thuận lợi cho công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Xây dựng chợ nguyên liệu gỗ xã Vân Hà (Đông Anh): Vì sao chưa thể triển khai?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.