Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách đúng để có đóng góp tích cực

Minh Ngọc| 13/05/2018 07:48

(HNM) - Dòng lao động di cư giữa các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội và từ các tỉnh, thành phố khác nhập cư vào Hà Nội đang diễn ra mạnh mẽ.


Cơ hội nhiều, thách thức không ít

Anh Nguyễn Văn Thế (25 tuổi), tạm trú tại tổ dân phố 7, phường Văn Quán (quận Hà Đông) cho biết, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh bất động sản (Đại học Kinh tế quốc dân), anh về quê thuộc một huyện miền núi tỉnh Nghệ An nhưng không có cơ hội việc làm. Trở lại Hà Nội, anh dễ dàng tìm được công việc đúng chuyên ngành với mức lương trung bình 8-10 triệu đồng/tháng.

Người lao động tìm thông tin việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm quận Long Biên. Ảnh: Minh Đức


Tương tự anh Nguyễn Văn Thế, hàng vạn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng đã chọn Hà Nội làm nơi lập nghiệp. Nhiều người trong độ tuổi lao động từ các tỉnh, thành phố khác nhập cư vào Hà Nội tìm công việc mới. Cùng với đó, lao động di cư từ các huyện ngoại thành vào các quận nội thành cũng diễn ra sôi động. Theo kết quả nghiên cứu tổng quan về lao động di cư trên địa bàn TP Hà Nội do Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) phối hợp với các cơ quan nghiên cứu về lao động, việc làm thực hiện, giai đoạn 2012-2017, lực lượng lao động di cư, nhập cư trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 430.000 người, trong đó có hơn 70% tham gia hoạt động kinh tế. Điều đáng mừng là lao động di cư, nhập cư có trình độ chuyên môn, kỹ thuật tương đối cao với hơn 40% số người có trình độ từ đại học trở lên. Họ làm việc ở mọi ngành nghề, lĩnh vực với thu nhập trung bình hơn 8,1 triệu đồng/ người/tháng. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật càng cao thì thu nhập càng cao.

Được làm việc trong môi trường năng động, thuận lợi, ngoài thu nhập, lao động di cư, nhập cư còn có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm, kỹ năng an toàn, tuân thủ kỷ luật… Về cơ cấu, tỷ lệ lao động di cư, nhập cư làm công hưởng lương tăng lên, tỷ lệ lao động tự do và lao động gia đình giảm xuống. “Điều đó chứng tỏ trong những năm gần đây, thị trường lao động Hà Nội tương đối ổn định, phát triển, có khả năng thu hút nhân tài”, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đánh giá.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, kết quả nghiên cứu cũng chỉ rõ, đa số người có việc làm, thu nhập vẫn gặp khó khăn về nhà ở, khó tìm trường học cho con, ít có điều kiện tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Công việc thiếu tính ổn định, bền vững. Thanh niên, sinh viên nhập cư thất nghiệp hoặc phải làm những công việc tạm thời, không đúng trình độ chuyên môn, tay nghề chiếm tỷ lệ khá lớn.

Cần chính sách quản lý phù hợp

Dự báo trong giai đoạn 2018-2020, số lao động nhập cư, di cư trên địa bàn TP Hà Nội khoảng từ hơn 70.000 đến hơn 90.000 người/năm. Lực lượng lao động này làm việc trong ngành dịch vụ là chủ yếu (chiếm khoảng 66%), tiếp đến là ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo (khoảng 32%)…

Để lao động nhập cư, di cư đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp khoa học, nhân văn, như hỗ trợ người lao động nghèo về nhà ở, phương tiện đi lại. TP Hà Nội đã tạo điều kiện để Tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội”. Triển khai từ tháng 11-2016 đến nay, dự án đã giúp hàng trăm lao động nữ nhập cư học nghề nấu ăn, trang điểm, bán hàng, chuyển đổi công việc để ổn định cuộc sống. Tại những địa phương có nhiều khu công nghiệp như huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh..., các ban, ngành, đoàn thể đã tạo điều kiện cho lao động nhập cư thuê nhà trọ với giá rẻ, hỗ trợ con công nhân tới trường.

Nhằm cung cấp thông tin đa chiều về thị trường lao động, việc làm cho người lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội thường xuyên mở phiên giao dịch việc làm tại các trung tâm dịch vụ việc làm và sàn giao dịch việc làm vệ tinh. Từ thông tin được cung cấp, hàng vạn lao động, trong đó có nhiều lao động nhập cư tìm được việc làm phù hợp. Anh Nguyễn Văn Thuận, thôn Hoàng Xá, xã Khánh Hà (Thường Tín) cho hay: “Đến sàn giao dịch việc làm huyện Thường Tín và thấy nhiều thông tin tuyển dụng, tôi quyết định bỏ công việc sửa chữa ô tô tại một quận nội thành về quê tìm việc làm tương tự. Lương tuy thấp hơn nhưng bù lại tôi được sống gần gia đình, không phải chịu áp lực về nhà ở, về việc học hành của con cái”.

Ngoài những giải pháp đã triển khai, ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng nắm bắt, cập nhật đầy đủ, kịp thời số lượng, cơ cấu lao động di cư, nhập cư, từ đó xây dựng chính sách quản lý phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, các địa phương cần tạo cơ hội việc làm cho người lao động ở nơi họ xuất cư, đồng thời hỗ trợ người di cư trở về sản xuất, kinh doanh tại cộng đồng. Đối với lao động nhập cư, chính quyền các địa phương cần hỗ trợ họ hòa nhập với cuộc sống mới về mọi mặt.

Ở góc độ thị trường lao động, di cư và dịch chuyển lao động là động lực tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phân bổ lại dân cư, chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo hiệu quả. Do đó, vấn đề này rất cần được quản lý bằng những chính sách khả thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách đúng để có đóng góp tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.