Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại biểu Quốc hội: Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng!

T.Hoa| 25/05/2018 19:07

(HNMO) - Chiều 25-5, thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng về những bất an, bất ổn trong xã hội do lối hành xử thiếu văn hóa gây ra.


Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội)


Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) cho rằng, những cảnh bạo lực kinh hoàng từ gia đình ra ngoài đường, tới bệnh viện, trường học; những giả dối, lừa đảo từ hàng giả, bằng giả, thực phẩm giả và nhiều thứ giả khác làm suy giảm niềm tin của cộng đồng và quốc tế. Sự thiếu hiểu biết, thói quen, hành vi vô văn hóa trong giao thông, trong kinh doanh, trong khai thác tài nguyên, nuôi trồng, đánh bắt tôm cá gây thiệt hại, tổn thất to lớn về vật chất uy tín cho đất nước. Nguyên nhân sâu xa được đại biểu nêu ra do văn hóa con người, văn hóa kinh doanh, văn hóa giao thông... còn những vấn đề bất cập.

Cùng quan điểm này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) đặt vấn đề: Những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực trong xã hội, hành vi hủy hoại môi trường, sản xuất hàng giả, thực phẩm bẩn độc hại... phải chăng là hồi chuông cảnh báo về những thách thức đang đặt ra đối với giá trị cốt lõi trong đạo đức văn hóa của người Việt Nam.

"Tương lai của dân tộc sẽ ra sao khi gia đình, nhà trường không còn là nơi an toàn nhất đối với trẻ em, khi mà hai nghề có tính nhân văn cao được tôn vinh như thầy giáo, thầy thuốc, nay trở thành những nghề nguy hiểm?", đại biểu Tạ Văn Hạ nêu.

Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) cũng "điểm danh" một số khía cạnh khác trong lĩnh vực văn hóa tồn tại bất cập như một số chương trình quảng cáo, phim ảnh, truyền thông trong thời gian gần đây có một số hình ảnh phản cảm, những cuộc tranh cãi vô bổ, trái thuần phong mỹ tục, tác động xấu đến giá trị truyền thống và đạo đức xã hội, có hại đến việc hình thành nhân cách đạo đức xã hội và giáo dục thế hệ trẻ cần phải chấn chỉnh.

Việc xét tặng các giải thưởng văn học nghệ thuật cần giảm thiểu các thủ tục hành chính gây khó khăn cho nghệ sĩ, tác giả; siết chặt tiêu chí xét giải đối với các tác phẩm, tránh tình trạng cào bằng, giảm giá trị uy tín của giải thưởng. Vấn đề về cấp phép lưu hành sáng tác nghệ thuật cũng còn nặng về thủ tục hành chính, cần được chấn chỉnh nhằm tạo sự thông thoáng để các tác phẩm đến được với công chúng. Các cuộc thi sắc đẹp gần đây cũng cần được chấn chỉnh lại khi không phải cơ quan, tổ chức nào cũng đứng ra tổ chức các cuộc thi sắc đẹp.


Qua các cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri chuyển đến đại biểu Nguyễn Quốc Hưng ý kiến cho rằng, đầu tư cho văn hóa hiện chưa xứng tầm. Trên cơ sở đó, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị Chính phủ cần có chương trình hành động cụ thể về văn hóa và thể thao trong thời kỳ mới nhằm làm cho văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, vì sự bình an của toàn xã hội. Vấn đề này, đại biểu cho biết sẽ tiếp tục chất vấn Chính phủ vào kỳ họp cuối năm.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu).


Qua những phân tích xác đáng, đại biểu Tạ Văn Hạ cũng cho rằng, vì sự phát triển của đất nước, vì tương lai của dân tộc, cần nghiêm túc xem xét đúng về vấn đề văn hóa với tăng trưởng kinh tế và văn hóa trong phát triển đất nước.

Đại biểu đề nghị Chính phủ có báo cáo chuyên đề trước Quốc hội về vấn đề này, đại biểu Hạ kiến nghị, vấn đề văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội: Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.