Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan tâm tìm giải pháp xử lý hiệu quả rác thải

Thanh Hải| 10/06/2018 07:27

(HNM) - Vấn đề rác thải và xử lý rác thải tiếp tục được nhiều đại biểu quan tâm và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã làm rõ nhiều nội dung, đề ra những giải pháp căn bản trong vấn đề xử lý và biến rác thải thành năng lượng.

Việc phân loại rác tại nguồn vẫn chưa được thực hiện, gây khó khăn cho công tác xử lý.


Từ phân loại rác tại nguồn...

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà, đại biểu Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) nêu ý kiến, hiện nay việc xử lý rác đã trở nên bất cập do thiếu hướng dẫn và vượt khả năng xử lý của các địa phương, cũng như gây lãng phí vì đầu tư công nghệ xử lý rác chưa đạt.

Còn đại biểu Trần Văn Minh (Đoàn Quảng Ninh) nêu rõ, hiện nay việc xử lý bằng công nghệ chôn lấp chiếm hơn 70%, đa số các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh và là thực trạng gây ô nhiễm môi trường. Với vai trò là cơ quan quản lý môi trường, đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) nêu thực trạng, việc xử lý chất thải rắn ở các đô thị, khu dân cư hiệu quả chưa cao và chưa thực hiện được việc phân loại rác tại nguồn.

Đồng tình với đại biểu Lê Công Nhường về vấn đề ô nhiễm đất và nước hiện nay chưa được kiểm soát, trong đó có vấn đề rác thải, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngành TN-MT có trách nhiệm tham mưu để ban hành chiến lược quy hoạch, kế hoạch và xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật. Bộ Xây dựng cũng chịu trách nhiệm trong quản lý các hạ tầng, trong đó có vấn đề quy hoạch, xử lý chất thải rắn, phê duyệt các thiết kế đối với nhà máy xử lý rác và có phân cấp một phần cho địa phương và Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm về công nghệ xử lý.

“Rõ ràng nếu để một bộ làm thì không thể đáp ứng được và không đủ năng lực, mà ở đây cần phải có cơ chế phối hợp” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

“Tôi cho rằng, thời gian vừa qua thực hiện như vậy là chưa tốt, trong đó có những việc mà hiện nay phân cấp cho địa phương như đánh giá tác động môi trường hoặc như trong vấn đề phê duyệt thiết kế cơ sở có những vấn đề giao cho sở xây dựng” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận.

Đồng thời cho biết, đang có khoảng trống là chưa hướng dẫn được công nghệ thích hợp, vì rác thải Việt Nam hoàn toàn khác rác thải thế giới. Nhật Bản đã đưa sang công nghệ đốt rác để sản xuất ra điện, công nghệ sản xuất phân vi sinh, hay nhiều công nghệ tiên tiến khác, nhưng sang Việt Nam máy móc đó hoạt động chỉ được khoảng 3, 4 tháng vì không đáp ứng yêu cầu.

Theo đánh giá của Bộ TN-MT, nếu với thành phần rác như hiện nay thì các công nghệ đó không đáp ứng được. “Đây là điều chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng và 3 bộ phải tập trung để trong thời gian sớm nhất sẽ đưa ra được hướng dẫn về các mô hình công nghệ” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, vướng mắc nhất cản trở cho công nghệ xử lý chất thải rắn là việc phân loại rác. Các quốc gia tiên tiến đã phân loại rác ngay từ nguồn nên việc xử lý dễ dàng. Do vậy, theo Bộ trưởng, Việt Nam cần tạo phong trào toàn dân tham gia xử lý rác, phân loại tại nguồn thì mới dễ dàng cho việc xử lý rác. Bộ cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 chỉ còn 7% chôn lấp, còn lại là đốt.

Đến làm chủ công nghệ xử lý

Thông tin vui được Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông báo tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn là tháng 5-2018, 3 bộ đã trình Thủ tướng ban hành Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải (sửa đổi), trong đó đặc biệt chú trọng đến công nghệ xử lý rác và có tính toán đến sự phù hợp của các điều kiện kinh tế ở đô thị và địa phương.

“Chúng tôi nhấn mạnh việc sẽ kiểm soát vấn đề rác thải nhựa. Phải coi rác thải như tài nguyên và đến năm 2030 chúng ta phải có các nhà máy phát điện từ rác, sử dụng các công nghệ. Vừa qua, Thủ tướng đã kiểm tra tại tỉnh Hà Nam, nơi có mô hình Việt Nam sản xuất các thiết bị xử lý rác thông qua khí hóa, chuyển rác thành năng lượng điện, biến chất thải của rác thành phân hữu cơ” - Bộ trưởng nói - “Chúng tôi đang cùng Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm chứng, đánh giá đầy đủ. Sau khi thẩm định sẽ công bố các công nghệ đó để các địa phương trong cả nước biết”.

Làm rõ thêm tranh luận của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, xử lý rác ở Hà Nam là xử lý có phân loại và công nghệ này có triển vọng. Theo Bộ trưởng, chi phí hiện nay là 89 USD/tấn thì có thể làm được cả khâu thu gom. Hiện tại, Bộ TN-MT đang tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho mô hình này thành công.

Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch xử lý rác, quan điểm là không thể xử lý theo quy mô nhỏ lẻ vì công nghệ nhỏ lẻ không đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, phải huy động toàn xã hội, người dân phải tham gia và phân loại rác tại nguồn. Cách xử lý là nếu phân loại rác ở nông thôn, rác hữu cơ người dân có thể được hướng dẫn phân loại và tự xử lý vì nhu cầu sử dụng phân hữu cơ ở nông thôn là cần thiết; còn với loại khác thì chúng ta cần phải tái chế, tái sử dụng, phần xử lý sẽ biến thành nhiệt năng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan tâm tìm giải pháp xử lý hiệu quả rác thải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.