Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao

Bảo Hân| 13/06/2018 18:01

(HNMO) - Ngày 13-6, các đại biểu Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội đầu phiên thảo luận chiều 13-6

"Đây là dự án luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội và nhận được sự quan tâm, kỳ vọng lớn của nhân dân. Đây cũng là một dự án luật khó, có nhiều chính sách mới phức tạp. Qua thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội vẫn còn nhiều nội dung đang có ý kiến khác nhau, như vấn đề về mở rộng hay thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập; xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc... " - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thuý (TP Hồ Chí Minh).
2 phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý được quy định tại Điều 59 dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Phương án 1:
1. Trường hợp kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi Kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

2. Người phải nộp thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc khởi kiện Kết luận xác minh tài sản, thu nhập ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

3. Việc thu thuế quy định tại khoản 1 Điều này không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự có liên quan chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.

4. Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thực hiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Phương án 2:

1. Trường hợp kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi Kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền và trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản này.

2. Người bị phạt tiền theo quy định tại khoản 1 Điều này có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc khởi kiện Kết luận xác minh tài sản, thu nhập tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

3. Việc phạt tiền theo quy định tại khoản 1 Điều này không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự có liên quan chứng minh được tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.


Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu nêu quan điểm lựa chọn và tranh luận về 2 phương án được Chính phủ trình về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, được quy định tại Điều 59 dự thảo Luật.

Phát biểu mở đầu, đại biểu Trịnh Ngọc Thuý (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ không đồng ý chọn phương án 1 và chỉ đồng ý chọn một phần phương án 2.

Theo đại biểu, việc giải trình tài sản nếu không hợp lý sẽ bị thu thuế thu nhập hoặc áp dụng chế tài xử lý hành chính, vừa không có cơ sở lý luận, vừa không phù hợp thực tiễn. Mặt khác, nếu quy định chỉ xử lý tài sản người có nghĩa vụ kê khai mà không giải trình nguồn gốc thì không bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu áp đặt sẽ không khả thi, dễ chủ quan, tùy tiện, làm cản trở sự phát triển.

"Công tác phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực khó, tham nhũng xảy ra ở khắp mọi nơi, không loại trừ một quốc gia nào. Với tình hình kinh tế, chính trị nước ta hiện nay, chúng ta cần khuyến khích người có khả năng tham nhũng cao kê khai trung thực tài sản của mình và có cơ chế kiểm soát, xử lý đối với tài sản khi có vi phạm pháp luật cũng là bước tiến quan trọng. Mặt khác, chúng ta cần đổi mới cơ chế quản lý như thu thuế chặt chẽ, thanh toán thông qua ngân hàng để chống thất thoát, nâng cao việc phát hiện, xử lý nhanh, triệt để, hiệu quả các tin báo tố giác hành vi vi phạm pháp luật..." - Đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh nói.

Nhất trí với việc cần thiết phải xây dựng quy định về xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý với những lý do như trong Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng)cho rằng, việc xây dựng các quy định này cần được nghiên cứu, xem xét bảo đảm các quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao.

Đại biểu Bình nêu thêm thực tế là việc giải trình tài sản, thu nhập trong nhiều trường hợp sẽ khó đi đến thống nhất giữa người giải trình và cơ quan có thẩm quyền về tính hợp lý hoặc không hợp lý của tài sản, do vậy, nhiều khả năng dẫn đến việc tranh luận, thậm chí khiếu nại kéo dài.

"Mặt khác, khi cơ quan có thẩm quyền đã kết luận được là người kê khai giải trình không hợp lý, nghĩa là người kê khai lúc này không có cơ sở để khẳng định quyền sở hữu đối với tài sản và cũng có thể tài sản này do tham nhũng mà có, thì ngay trong Điều 59 lại quy định thực hiện việc đánh thuế thu nhập đối với người kê khai, nghĩa là coi tài sản trên là khoản thu nhập phát sinh của người kê khai. Điều này dường như mâu thuẫn với sự cố gắng chứng minh của cơ quan có thẩm quyền về giải trình của người kê khai là không hợp lý, vì chứng minh xong thì lại coi tài sản thu nhập không giải trình được hợp lý như khoản thu nhập phát sinh của người kê khai để thực hiện việc đánh thuế. Đồng thời, khi thực hiện việc đánh thuế cũng cần phải lí giải, làm rõ cơ sở của việc đánh thuế đối với loại tài sản mà lúc này được coi như khoản thu nhập phát sinh của người kê khai với mức lên đến 45%" - đại biểu Bình đề nghị làm rõ hơn nội dung này.

Tranh luận với đại biểu Bình và một số đại biểu khác phát biểu trước đó về những băn khoăn trong chứng minh tài sản không do tham nhũng mà bị nghi oan là tài sản tham nhũng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) phân tích, hầu hết thu nhập cá nhân hiện nay là từ lương, thưởng, buôn bán, trúng vé số, cho, tặng, thừa kế. Những tài sản lớn đều phải kê khai thuế thu nhập cá nhân.

"Thuế thu nhập cá nhân hiện được quản lý rất khoa học, chính xác và chặt chẽ. Vậy tại sao chúng ta không yêu cầu có thêm một điều kiện là tất cả các vị ở vị trí có khả năng tham nhũng hàng năm phải khai thuế thu nhập cá nhân? Nếu biết con số cụ thể này thì người dân cũng như các cơ quan chức năng có thể dễ dàng giám sát, theo dõi, không có lý do gì mà thu nhập thuế cá nhân một năm chỉ khoảng 1 đến 2 triệu mà người đấy vẫn có thể mua được nhà, xe" - Đại biểu Hiếu nêu. Đại biểu này mong muốn có thêm một điều khoản quy định các vị trí có nguy cơ tham nhũng thì cần kê khai thuế thu nhập cá nhân và công khai cho tất cả cử tri cũng như cơ quan giám sát được biết. 

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội).


Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo phương án 2 là hợp lý hơn, cả về lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, luật cần nêu rõ căn cứ để xử phạt 45% giá trị tài sản không kê khai.

Ngoài ra, theo đại biểu Chính, để bảo đảm kỷ cương và sự tôn nghiêm của pháp luật thì ngoài việc xử lý hành chính theo phương án 2 đối với người phải kê khai tài sản nhưng không kê khai hoặc kê khai không trung thực, cần bổ sung một số biện pháp xử lý khác liên quan đến nhân thân như xử phạt, cảnh cáo, khiển trách, cách chức, hạ bậc lương...

Cũng nhất trí cao với phương án 2, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng nghĩa vụ kê khai tài sản đối với đối tượng phải kê khai tài sản là một trách nhiệm xuyên suốt của những người thuộc diện này.

"Việc chúng ta xử phạt hành chính trong lĩnh vực này là hợp lý, còn mức xử phạt như thế nào có thể tùy theo mức độ. Tuy nhiên, đây phải là mức phạt nặng để chúng ta răn đe. Còn việc kê khai tài sản, trách nhiệm công vụ và việc sau này khi tài sản đó bị phát hiện do tham nhũng mà có thì chúng ta có quyền tịch thu, không cần biết là trước đó anh đã kê khai hay đã nộp thuế, đã bị xử phạt hành chính hay chưa" - đại biểu bày tỏ quan điểm.

Cuối phiên thảo luận, phát biểu tiếp thu và làm rõ một số nội dung các đại biểu nêu, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết thêm một số lý do Chính phủ đề xuất 2 phương án như trong dự thảo đã trình Quốc hội và việc lựa chọn phương án 1 là giúp khắc phục được vướng mắc về pháp lý vì không thể tịch thu tài sản, thu nhập khi nhà nước không thể chứng minh được tài sản, thu nhập đó là do hành vi vi phạm pháp luật mà có; giúp nâng cao hiệu quả của việc sử dụng các biện pháp kê khai tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng khi chuyển các vụ việc có liên quan đến xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý vào diện được theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra hoặc chuyển sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đây là biện pháp trước mắt và không loại trừ việc xử lý hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập đối với người kê khai, nếu cơ quan chức năng có thẩm quyền của Nhà nước chứng minh được tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm mà người giải trình không giải trình được một cách hợp lý.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.


Về mức thuế dự thảo luật đưa ra theo phương án là 45%, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành về thuế thu nhập cá nhân, mức thuế suất thấp nhất là 0,1% và cao nhất là 20% trong biểu thuế toàn phần. Có nghĩa là thu nhập vãng lai không phải là thu nhập thường xuyên. Đồng thời, trốn thuế thì mức phạt có thể gấp từ 1 lần đến 3 lần tiền thuế phải nộp. Trên cơ sở đó, Chính phủ đề xuất thuế suất ở mức trung bình là 15% cộng với mức thuế phạt bằng 2 lần tiền thuế phải nộp, tức là 30%. Như vậy, tổng cộng là 45%. Đề xuất này cũng được Bộ Tài chính đồng tình. 


Tuy nhiên, qua phiên thảo luận hôm nay, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với việc cần thiết phải xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực cũng như không giải trình một cách hợp lý về nguồn gốc, nhưng về phương án xử lý thì còn ý kiến khác nhau. Có một số ý kiến của đại biểu Quốc hội băn khoăn về phương án xử lý tài sản, thu nhập với mức thuế 45% và đề xuất một số phương án xử lý tài sản thu nhập khác.

"Vấn đề này sẽ được Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình làm rõ để hoàn thiện dự án luật nhằm có phương án xử lý tài sản, thu nhập phù hợp với pháp luật và đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra" - Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.