Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoảng cách không dễ lấp đầy

Minh Ngọc| 20/06/2018 06:57

(HNM) - Tuyển sinh, đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực. Thế nhưng thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp chưa tích cực tham gia đào tạo nghề, khiến cung - cầu về lao động, việc làm còn khoảng cách không dễ lấp đầy.

Tuyển sinh, đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh: Nhật Nam


Ít doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có quyền và trách nhiệm trong đào tạo nhân lực cho đơn vị mình, đồng thời phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm tới hoạt động này. Thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, cả nước mới có hơn 9% doanh nghiệp hợp tác về đào tạo nhân lực với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hình thức hợp tác khá đơn giản, chủ yếu là doanh nghiệp cử cán bộ tham gia xây dựng chương trình giảng dạy hoặc trực tiếp giảng dạy; tiếp nhận, hướng dẫn học sinh, sinh viên trường nghề thực tập hoặc gửi người lao động đến cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo lại. Tỷ lệ doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo nghề cho người lao động mới đạt 30,18%, số còn lại trông chờ vào nguồn cung sẵn có. Theo ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), sự kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo tập trung vào khâu tuyển dụng (chiếm 83%); chỉ có 3% doanh nghiệp tham gia kiểm tra, đánh giá sinh viên và 9% phát triển chương trình đào tạo…

Khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có 12,3% doanh nghiệp khẳng định họ hợp tác thường xuyên với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 46,2% chưa có bất kỳ mối quan hệ hợp tác nào. Sự phối hợp thiếu chặt chẽ đó là nguyên nhân chính khiến cung - cầu lao động “lệch pha”. Ông Đào Ngọc Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) dẫn chứng: Trong những năm gần đây, cả nước thường xuyên có hàng trăm nghìn người có trình độ từ cao đẳng trở lên thất nghiệp, hàng triệu lao động làm việc không đúng ngành nghề được đào tạo.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng Thư ký VCCI phản ánh, 55% doanh nghiệp khó tuyển kỹ sư giỏi, 10% hầu như không thể tuyển dụng được. Với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 31% cho rằng chất lượng lao động hiện nay đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của họ; 64% cho biết mới chỉ đáp ứng được một phần, phải đào tạo lại. Năm 2017, chi phí cho đào tạo lại lao động của các doanh nghiệp FDI chiếm 5,7% chi phí kinh doanh.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), chi phí liên quan đến sử dụng lao động cao sẽ làm giảm khả năng tạo việc làm của doanh nghiệp. Với người lao động, họ có thể không tham gia vào thị trường lao động chính thức mà muốn tìm việc làm trong thị trường phi chính thức với chất lượng, mức độ bảo vệ thấp. Vì thế, tình trạng mất cân đối về cung - cầu lao động rất khó được khắc phục, chất lượng nguồn nhân lực khó được cải thiện.

Tăng cường phối hợp

Trên thực tế, sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề mang lại nhiều lợi ích. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, nhờ sự phối hợp chặt chẽ với hàng chục doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, 100% học sinh, sinh viên tốt nghiệp Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, sẽ có việc làm đúng chuyên ngành với mức lương khởi điểm từ 6 triệu đồng/người/tháng. Nhiều trường nghề khác ở Hà Nội như Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Trường Trung cấp Xây dựng… cũng phối hợp với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, dạy nghề nhằm bảo đảm đầu ra cho người học. Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương Linh, Phó Trưởng phòng tuyển dụng, Công ty TNHH Hạ tầng viễn thông miền Bắc khẳng định, việc chủ động “đặt hàng” đào tạo với các trường nghề giúp doanh nghiệp có lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu công việc, không bị thiếu lao động trong thời kỳ cao điểm.

Doanh nghiệp cần chủ động tham gia đào tạo nghề với vai trò là “nhà đầu tư”. Ảnh: Mạnh Dũng


Để khắc phục sự “lệch pha” về cung - cầu lao động, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị các cơ sở đào tạo nghề tăng cường tiếp nhận thông tin từ phía doanh nghiệp, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội. Doanh nghiệp cần chủ động tham gia với vai trò là nhà đầu tư, đồng thời là khách hàng. Ngoài ra, mô hình “trường trong doanh nghiệp” nên được nhân rộng.

Nghiên cứu về thị trường lao động, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search - đơn vị sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks - khuyến nghị: Nhà nước nên xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đầu tư, phát triển chiến lược đào tạo nguồn nhân lực; cung cấp phân tích xu hướng thị trường để các đơn vị liên quan định hướng nghề nghiệp rõ ràng, chuẩn xác. Các đơn vị đào tạo nên cập nhật chương trình đào tạo, đón đầu xu hướng thị trường. Các doanh nghiệp nên đầu tư vào công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng, giúp các cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn.

Hiện nay, hàng trăm nghìn lao động có trình độ cao đang thất nghiệp trong khi doanh nghiệp khó tuyển lao động đáp ứng được yêu cầu phát triển, đó là sự lãng phí lớn. Vấn đề này cần có sự quan tâm giải quyết, tháo gỡ của các ngành chức năng, nhưng trước hết doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề đã được quy định rõ trong các luật về lao động và giáo dục nghề nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoảng cách không dễ lấp đầy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.