Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền tự do ngôn luận không bị ảnh hưởng

Hà Phong - Mai Hữu| 24/06/2018 07:05

(HNM) - Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) khẳng định, Luật An ninh mạng xử lý các hành vi vi phạm, như tuyên truyền chống phá Nhà nước, lừa đảo, bôi nhọ, xúc phạm danh dự tổ chức, cá nhân... trên không gian mạng. Hoàn toàn không có chuyện ngăn cản tự do ngôn luận của người dân, quyền sử dụng internet của người dân.

Luật An ninh mạng bảo vệ quyền tự do cho người dùng internet cũng như mạng xã hội.


Yêu cầu cấp bách

Mỗi năm, hệ thống thông tin nước ta phải hứng chịu hàng chục nghìn cuộc tấn công. Thông tin bịa đặt, thật giả lẫn lộn, vu khống, bôi nhọ, xúc phạm, kích động bạo lực... phổ biến trên mạng xã hội. Tội phạm lừa đảo trực tuyến, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, môi giới mại dâm, mua bán vũ khí, ma túy cũng phát triển nhanh trên môi trường này... Một trong những nguyên nhân là do thiếu hành lang pháp lý. Vì vậy, theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc 423/466 đại biểu Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng (tỷ lệ 86,86%) thể hiện sự tán thành cao và là việc làm rất kịp thời.

Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng khẳng định, người dân thoải mái sử dụng internet, hoàn toàn không có điều khoản nào cấm. Chỉ những cá nhân đưa thông tin sai trái, bịa đặt, xúc phạm nhân phẩm… quy chiếu theo 29 điều của Bộ luật Hình sự thì mới bị xử lý. "Không thể nào đe dọa giết người, tự do mua bán vũ khí vật liệu nổ, kích động biểu tình, xúc phạm dân tộc, chủ quyền, tôn giáo trên mạng lại không bị xử lý" - Trung tướng Hoàng Phước Thuận nêu.

Trao đổi với cử tri Thủ đô mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, nhiều quốc gia đã có luật bảo vệ an ninh mạng, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Các thế lực thù địch tuyên truyền Luật An ninh mạng cấm mọi người dùng internet, dùng mạng xã hội… thực tế luật chỉ ngăn cấm những hành vi như lôi kéo kích động gây rối, chống phá nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, lừa đảo qua mạng… “Luật An ninh mạng bảo vệ hệ thống hạ tầng mạng, chính là bảo vệ quyền tự do của mọi người dùng internet cũng như mạng xã hội…” - Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích hợp pháp của công dân

Luật An ninh mạng sẽ giúp bảo vệ người dân tốt hơn khi sử dụng các dịch vụ internet


Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng làm rõ thêm, không gian mạng cũng là lĩnh vực chủ quyền quốc gia. Ở các quốc gia trên thế giới dù tên gọi khác nhau, nhưng những nội dung chính của quy định an ninh mạng đều nhằm bảo đảm an ninh thông tin của doanh nghiệp, các cơ quan công quyền, cũng như bảo vệ tốt hơn người dân khi tham gia các dịch vụ internet. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã tìm hiểu kỹ thông lệ quốc tế, ý kiến cử tri, các chuyên gia, đặc biệt là ý kiến đại diện một số quốc gia như Mỹ, Australia; Liên minh Châu Âu và các hiệp hội internet, viễn thông Châu Á - Thái Bình Dương…

Đối với vấn đề bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng không gian mạng, Trung tướng Hoàng Phước Thuận làm rõ thêm, luật chỉ xác định: Cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. "Ví như trên mạng đang trao đổi mua bán chất nổ để chuẩn bị khủng bố thì dứt khoát phải cung cấp thông tin để xử lý, nếu không sẽ xảy ra thảm họa" - Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho hay.

Trả lời câu hỏi, luật này có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông? Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng khẳng định: “Hoàn toàn không ảnh hưởng”. Luật tạo ra cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp. Không có quy định nào về thành lập doanh nghiệp, khởi nghiệp, đầu tư, mua bán, kinh doanh của doanh nghiệp hay phải có giấy phép con mới được hoạt động. Ý kiến cho rằng, chỉ có Việt Nam mới yêu cầu phải đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu người dùng trong nước là không đúng. Luật chỉ yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng vì đây là tài sản của người Việt Nam.

Trên thế giới có hơn 18 quốc gia như: Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Trung Quốc, Hy Lạp, Đan Mạch, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Brazil... quy định bắt buộc nhà cung cấp dịch vụ mạng, nhất là mạng xã hội phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia. “Mới đây nhất, Liên minh Châu Âu (EU) yêu cầu cụ thể Facebook phải lưu trữ dữ liệu tại các nước của EU” - ông Nguyễn Thanh Hồng ví dụ thêm và cho rằng, đây là yêu cầu cần thiết, vừa bảo vệ an ninh quốc gia, vừa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Luật An ninh mạng gồm bảy chương, 43 điều; theo đó an ninh mạng được định nghĩa là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Luật quy định chi tiết sáu nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể, người dùng bị cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi: Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống nhà nước; Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;...

Các hành vi như: Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác cũng bị cấm.

Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng,... đều nằm trong danh sách cấm của luật.

Luật dành một chương với 7 điều quy định về phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền tự do ngôn luận không bị ảnh hưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.