Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự báo mưa lũ còn tiếp diễn

Kim Nhuệ| 22/07/2018 07:36

(HNM) - Dự báo, mưa lũ còn tiếp diễn, trong ngày 22-7, các tỉnh, thành phố tiếp tục căng mình ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Người dân xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) sơ tán vật nuôi do mưa ngập diện rộng. Ảnh: Kim văn


21 người chết và mất tích

Chiều tối 21-7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến 18h30, mưa lũ, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ. Cụ thể đã có 10 người chết, 11 người mất tích, 14 người bị thương, 105 ngôi nhà bị sập đổ, 16.893 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, 3.969ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; gần 78.000ha lúa, hoa màu bị ngập úng; hư hỏng nhiều tuyến tỉnh lộ. Tỉnh Yên Bái bị thiệt hại nặng nhất với 8 người chết, 9 người mất tích, 9 người bị thương.

Ngày 21-7, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gửi điện thăm hỏi tới Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh Thanh Hóa, Yên Bái, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh. Trước mắt, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi tới mỗi gia đình có người chết, mất tích 5 triệu đồng/người và mỗi người bị thương nặng 3 triệu đồng/người; 40 triệu đồng/nhà bị sập, đổ, hư hỏng nặng để góp phần giúp đỡ các gia đình và nạn nhân bị thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Trước đó, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã mở 2 cửa xả đáy trong ngày 21-7. Cùng ngày, các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi liên tỉnh tại miền Bắc tiếp tục vận hành 2.617 máy bơm, 35 cống để tiêu úng cứu lúa và tiêu nước đệm, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho sản xuất nông nghiệp.

Hà Nội: Hàng nghìn héc ta hoa màu bị ngập

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho biết, từ đêm 20 đến 13h ngày 21-7, trên địa bàn thành phố xảy ra mưa lớn, đặc biệt là ở các quận, huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Hà Đông, Long Biên, Thạch Thất, Quốc Oai… Kết hợp với lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình dồn về khiến mực nước các sông nội địa: Tích, Bùi, Nhuệ, Đáy dâng nhanh, đạt ngưỡng trên báo động II, mực nước tại 4 hồ chứa lớn: Kèo Cà, Quan Sơn, Văn Sơn, Đồng Sương, Miễu vượt ngưỡng tràn.

Mưa lớn đã khiến hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản… của các huyện bị ngập úng, có nguy cơ bị mất trắng nếu mưa lớn kéo dài. Điển hình là huyện Ba Vì có 905ha hoa màu bị ngập; Quốc Oai có 2.460ha hoa màu bị ngập, Phúc Thọ có 214ha hoa màu bị ngập. Riêng huyện Thanh Trì, do nước sông Nhuệ tăng cao, gây tràn bờ trên một số địa bàn xã Tả Thanh Oai, ngập sâu trung bình 40-50cm, có đoạn ngập lên tới 70-80cm.

Trao đổi với Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết, tính đến 18h ngày 21-7, mưa lớn đã làm 1.429ha lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn bị úng ngập, 291 hộ dân và 830m đường giao thông ở các xã: Quảng Bị, Tốt Động bị ngập.

Tại huyện Ba Vì, tính đến 18h ngày 21-7, mưa lớn đã gây thiệt hại nặng cho các xã Minh Quang, Khánh Thượng, Phú Sơn, Tòng Bạt, Tây Đằng, Cổ Đô, Sơn Đà…, với 1.283ha lúa, hoa màu bị ngập; 102ha nuôi trồng thủy sản, 2.242m3 lồng bè nuôi cá trên sông có nguy cơ bị mất trắng…

Đặc biệt, tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất đã xảy ra lũ quét vùi lấp hoàn toàn diện tích 12ha. Trong ngày, huyện Thạch Thất đã phải sơ tán 18 hộ dân có nhà ở tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét thuộc các xã: Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân...

Để cứu lúa, giảm úng ngập cho khu vực ngoại thành, ngày 21-7, 5 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã huy động 100% lực lượng ứng trực, vận hành trạm bơm tiêu úng. Tính đến 18h ngày 21-7, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích vận hành 50 trạm, với 164 máy bơm các loại. Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy vận hành 61 trạm, với 283 máy bơm. Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ vận hành 143 trạm, với 450 máy. Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội vận hành 25 trạm, với 148 máy bơm...

Trong ngày, Sở NN&PTNT Hà Nội, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác tiêu úng, cứu lúa tại huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì… Tại đây, đoàn công tác yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp thủy lợi vận hành toàn bộ trạm bơm tiêu úng cứu lúa, giảm ngập lụt cho khu dân cư; tăng cường tuần tra, kiểm soát, sẵn sàng triển khai phương án bảo vệ an toàn 4 hồ đã chứa đầy nước và các tuyến đê sông theo các cấp báo động…

Tuy nhiên, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp trong những ngày tới, dự báo tình hình ngập lụt trên địa bàn, đặc biệt là khu vực ngoại thành Hà Nội sẽ gia tăng.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ đã dịch chuyển ra phía ven biển Bắc Bộ và mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Đến 16h ngày 22-7, tâm ATNĐ nằm ngay trên huyện đảo Bạch Long Vĩ; sức gió vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Dự báo, hôm nay (22-7), tình hình mưa lũ vẫn sẽ diễn biến phức tạp.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự báo mưa lũ còn tiếp diễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.