Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gấp rút khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, bảo đảm an toàn, sức khoẻ cho nhân dân

Nhóm PV Ban NNNT, Kinh tế và VH-XH| 03/08/2018 12:49

(HNMO) - Hiện nay, tình hình ngập úng tại các huyện đã giảm dần. Việc gấp rút triển khai khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và bảo đảm đời sống nhân dân được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng quan tâm hàng đầu.


* Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, do ngập nước lâu ngày, nguy cơ các bệnh da liễu, tiêu chảy và đau mắt xảy ra khá lớn. Hiện các bệnh viện của trung ương và Hà Nội, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đang hỗ trợ tích cực huyện Chương Mỹ trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân. Các công ty môi trường và bà con nhân dân cũng đang tích cực đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải… Huyện Chương Mỹ đang tiếp tục chỉ đạo, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ. Công tác cứu trợ vẫn đang được đẩy mạnh nhằm bảo đảm đời sống người dân...

* Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng cho biết, hiện nay huyện đang vận hành 12 trạm bơm tiêu úng với 33 máy hoạt động, với tổng lưu lượng 144.300m3/h, tiêu úng cho diện tích còn ngập và tiêu nước đệm đề phòng tiếp tục có mưa. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện và các xã tiếp tục ứng trực 24/24h để theo dõi sát diễn biến của thời tiết và kịp thời chỉ đạo. Các xã, thị trấn, Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức tiếp tục vận hành các trạm bơm để tiêu úng cho diện tích trong vùng. Huyện và các xã đã thành lập các đoàn kiểm tra thực tế, chỉ đạo xử lý môi trường, sớm khôi phục sản xuất.

* Ban Chỉ huy PCTT và TKCNhuyện Phú Xuyên tiếp tục phân công ứng trực 24/24, bám sát diễn biến thời tiết để báo cáo và có chỉ đạo kịp thời. Các hộ bị tốc mái đã được hỗ trợ ổn định cuộc sống. Các diện tích trồng cây, nuôi trồng thủy sản bị ngập đang được nhanh chóng tiêu nước, khôi phục sản xuất. Địa phương cũng đang thực hiện tổng vệ sinh môi trường, rà soát các hộ bị thiệt hại nhiều để đề xuất phương án hỗ trợ. Đối với lúa và rau màu bị ngập, những diện tích có thể khôi phục đang được khẩn trương tiêu úng, chăm sóc đúng quy trình; các diện tích không thể khôi phục, có thể trồng cây rau, màu ngắn ngày phù hợp…

* Để khắc phục kịp thời tình trạng ngập úng, UBND huyện Thường Tín đã chỉ đạo các xã phối hợp với Xí nghiệp Thủy lợi Hồng Vân có các biện pháp khơi thông hệ thống kênh nội đồng, giải phóng lượng nước ùn, ứ trong đồng, rút ngắn thời gian bơm tiêu úng. Xí nghiệp Thủy lợi Hồng Vân đã vận hành tổng số 40 trạm bơm với 146 máy bơm các loại phục vụ tiêu úng trên địa bàn huyện. Hiện, các ngành chuyên môn của UBND huyện bố trí lực lượng thường trực 24/24h để kịp thời xử lý các tình huống. Đặc biệt, UBND các xã ven sông Hồng, sông Nhuệ theo dõi sát diễn biến của mực nước trên sông, xây dựng các phương án sẵn sàng di dời người, tài sản lên vị trí an toàn khi mực nước sông dâng cao; đồng thời bố trí lực lượng thường trực tại các điểm xung yếu, các điểm có vị trí sạt trượt, thường xuyên báo cáo tình hình về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện.

* Để chủ động ứng phó với thiên tai, mưa lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã: Đối với cây lúa, huy động mọi nguồn lực để tiêu úng, khơi thông dòng chảy, nếu cần, phải sử dụng các máy bơm để thoát nước nhanh; phân loại diện tích lúa bị ngập úng để có biện pháp khắc phục kịp thời. Với diện tích lúa bị ngập 2-3 ngày thoát nước kịp, có khả năng khôi phục, cần điều chỉnh mực nước tiêu thoát, bảo đảm cây lúa không bị dập trên mặt nước; tỉa, dặm những chỗ lúa chết. Đối với những vùng trũng ngập nước kéo dài trên 4 ngày không có khả năng khôi phục, cần khẩn trương bừa san lại ruộng, rút cạn nước, tranh thủ cấy ngay khi còn trong khung thời vụ (xong trước ngày 5-8).

Đối với các loại rau màu, những diện tích có thể khôi phục cần được nhanh chóng thoát nước, chăm sóc đúng quy trình sau mưa úng. Với những diện tích không thể khôi phục, cần xử lý môi trường đồng ruộng, gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp nhanh cho thị trường lúc giáp vụ, tăng thu nhập cho nông dân.

Đối với chăn nuôi, thủy sản, các địa phương, đơn vị sớm thống kê thiệt hại, hướng dẫn người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản các biện pháp phòng dịch sau úng lụt; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn, vật nuôi, thủy sản; phát hiện sớm, kịp thời khống chế, không để bệnh lây lan trên diện rộng; chủ động giống để khôi phục sản xuất…

* Đến 15h ngày 3-8, trên địa bàn huyện Quốc Oai chỉ còn xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ (xã Cấn Hữu) bị cô lập hoàn toàn do nước lũ bao vây. Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Đỗ Huy Chiến cho biết, toàn bộ lực lượng canh đê của những xã ven sông Tích, sông Đáy và các đơn vị chức năng vẫn tiếp tục ứng trực 24/24h để kiểm tra, kịp thời xử lý các tình huống xảy ra. 

Đoàn viên thanh niên huyện Quốc Oai hỗ trợ nhân dân vùng lũ khắc phục hậu quả thiên tai.


Những biện pháp xử lý môi trường sau úng ngập, phương án giúp nông dân khôi phục sản xuất, công tác rà soát những hộ khó khăn, thiệt hại để hỗ trợ đang được chính quyền địa phương, các đơn vị, tổ chức, đoàn thể nỗ lực thực hiện.

*Ngày 3-8, Đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội do Phó Giám đốc Nguyễn Văn Dung dẫn đầu đã có buổi làm việc với Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ về triển khai công tác khám sức khỏe cho người dân 7 thôn ngập úng nặng của 3 xã: Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ.

Lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội kiểm tra công tác khám, chữa bệnh cho bà con vùng bị ngập úng tại huyện Chương Mỹ.


Ông Dương Viết Tài, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cho biết, trạm y tế các xã sẽ phối hợp với Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ tổ chức khám, điều trị và cấp phát thuốc miễn phí cho 8.500 người dân 3 xã bị ngập úng. 

Thời gian tổ chức khám dự kiến từ ngày 16 đến 20-8, sau khi nước rút. Để người dân không phải chờ đợi, các xã sẽ tổ chức khám theo thôn và mời đối tượng theo các giờ trong ngày, mỗi buổi khám không quá 200 người.

Trước đó, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, các trạm y tế 11 xã bị ngập úng nặng khám sàng lọc sức khỏe cho gần 1.600 người dân. Qua khám sàng lọc, phát hiện gần 60 trường hợp bị đau mắt đỏ, tiêu chảy và các bệnh về da liễu. 

Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cũng phối hợp với trạm y tế các xã tổ chức cấp phát gần 5.000 túi thuốc, gồm: Thuốc tra mắt, thuốc ngoài da và gần 6.000 túi Cloramin B, gần 3.000 túi phèn chua để xử lý nguồn nước bị nhiễm bẩn cho các hộ dân bị ngập úng. 

Ngoài ra, Trung tâm tiến hành tổng vệ sinh môi trường cho hơn 400 hộ gia đình. Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã thành lập đội cơ động phòng, chống dịch để phối hợp với các xã lên phương án vệ sinh môi trường sau ngập úng.

*Tại huyện Quốc Oai, ông Đào Xuân Long, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, Trung tâm đã cấp cho các gia đình bị ngập úng khoảng 40 kg phèn chua và Cloramin B để xử lý nước ăn. Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai đã dành từ 20 đến 30 giường bệnh để phục vụ công tác cấp cứu, chăm sóc sức khỏe, điều trị kịp thời cho những người dân vùng ngập úng. Bệnh viện cũng đã tăng cường thêm cán bộ y tế trực 24/24 giờ, bảo đảm đủ cơ số thuốc và các điều kiện phục vụ công tác sơ cấp cứu và khám, chữa các bệnh trong mùa mưa lũ.

Theo ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn các huyện, xã bị ngập úng tổ chức tổng vệ sinh môi trường. Nước rút ở xã nào sẽ tổ chức vệ sinh môi trường và khám bệnh tại xã đó trước. Các bệnh viện, trung tâm Y tế, trạm y tế phải bảo đảm đầy đủ nhân lực, cơ số thuốc thiết yếu.

Các đoàn khám phải bảo đảm đúng quy định về nhân lực, các y bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, đồng thời cần huy động các nguồn nhân lực khác như: Đoàn thanh niên, các tổ chức xã hội… tại địa phương cùng tham gia hướng dẫn để công tác khám, chữa bệnh đạt hiệu quả. 

Các xã cần tăng cường công tác tuyên truyền về kế hoạch khám bệnh cũng như tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho người dân và phải gửi giấy mời khám đến từng hộ gia đình để người dân có thể tham gia khám bệnh đầy đủ.

*Ngày 3-8, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội đã ký văn bản gửi phòng GD-ĐT của các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai yêu cầu nghiêm túc thực hiện một số nội dung công việc nhằm bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh tại khu vực đang bị ngập úng,

Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu hai đơn vị này chỉ đạo các trường học trên địa bàn tuyệt đối không tổ chức dạy, học và các hoạt động ngoại khóa, hoạt động hè tại các trường đang bị ngập úng. Các nhà trường phải thông báo cho gia đình học sinh đang sống tại các vùng ngập úng quản lý học sinh tại gia đình.

Các nhà trường có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra an toàn giao thông khu vực xung quanh trường học và đường đến trường của học sinh, có các biện pháp bảo đảm an toàn. Sau khi nước rút, các nhà trường khẩn trương khắc phục hậu quả, lưu ý đến việc phát hiện các nguy cơ mất an toàn do ngập úng gây ra (kiểm tra móng nhà, tường, trần, mái che, hệ thống thoát nước, cây có nguy cơ gãy, đổ...) để có biện pháp khắc phục kịp thời, không để xảy ra tai nạn thương tích.

Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị chủ động liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn và tiến hành tẩy rửa, tổng vệ sinh môi trường, bảo đảm nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó; tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh sau ngập úng, thực hiện đúng quy định về sử dụng hóa chất khử trùng, tẩy rửa.

Mỗi trường học tổ chức ít nhất 1 buổi tuyên truyền để giáo viên, học sinh biết cách phòng, chống dịch bệnh, phòng chống tai nạn thương tích; nghiêm túc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo khi có các biểu hiện bất thường về tình hình sức khỏe học sinh, giáo viên.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng trao quà hỗ trợ cho các trường học bị thiệt hại do mưa lũ tại huyện Chương Mỹ.


Trước đó, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đã thăm một số trường học bị ngập nước tại huyện Chương Mỹ và trao hỗ trợ ban đầu cho 5 trường học bị thiệt hại nặng do mưa lũ, mỗi trường 200 triệu đồng. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Chương Mỹ tiếp tục rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường học trên địa bàn; chỉ đạo các nhà trường bố trí nhân lực bảo quản tài sản; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho giáo viên và học sinh; tập trung nguồn lực làm vệ sinh môi trường khi nước rút; hỗ trợ tốt nhất để giáo viên, học sinh yên tâm bước vào năm học mới 2018-2019.

* Nhiều ngày qua, do mưa lớn, nước dâng cao đã gây ngập đồng ruộng và một số khu dân cư tại các xã Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, Nam Phương Tiến. Hàng nghìn hộ dân bị ngập chìm trong nước, không bảo đảm điều kiện an toàn để cấp điện, vì vậy Công ty Điện lực Chương Mỹ (thuộc Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội) phải chủ động sa thải phụ tải. Công ty đã huy động 100% CBCNV tổ chức ứng trực và khẩn trương triển khai phương án bảo đảm an toàn điện trong vùng ngập úng. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp để tuyên truyền, vận động người dân tránh xa các vùng nguy hiểm, đề phòng điện giật, hỗ trợ cứu trợ những gia đình bị ngập nặng.

Trong đó, Công ty ưu tiên bảo đảm điện cho 16 TBA đang phục vụ bơm nước tiêu úng. Trong quá trình cắt điện và khôi phục cấp điện, thường xuyên tuần canh để người dân không tự đóng, câu móc điện. Công ty Điện lực Chương Mỹ và UBND huyện Chương Mỹ cũng hỗ trợ thay thế những dây điện, bóng điện bị hư hỏng cho người dân. Sau nhiều ngày bị ngập lụt, trên địa bàn huyện Chương Mỹ không có trường hợp mất an toàn về điện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gấp rút khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, bảo đảm an toàn, sức khoẻ cho nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.