Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám sát việc khắc phục tồn tại về hoạt động thể thao và phòng cháy, chữa cháy

Tuấn Việt| 16/08/2018 17:42

(HNMO) - Ngày 16-8, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội đã làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội, Trường Phổ thông Năng khiếu thể dục thể thao Hà Nội về thực hiện các cơ chế, chính sách tuyển chọn, đào tạo huấn luyện viên, vận động viên; chế độ đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài của thành phố.

Sở Văn hóa - Thể thao cho biết đã quán triệt và triển khai tốt các chỉ thị, kế hoạch của thành phố về lĩnh vực này, trong đó chú trọng tuyển chọn, đào tạo, quản lý, sử dụng huấn luyện viên, vận động viên. Trong các kỳ đại hội thể dục thể thao, các giải thi đấu lớn, Hà Nội đóng góp khoảng 30% tổng số Huy chương vàng của thể thao Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã cử 124 đoàn với 2.996 lượt huấn luyện viên, vận động viên, chuyên gia đi tập huấn, thi đấu nước ngoài. Trong đó có 1.010 vận động viên giành huy chương các loại (752 huy chương tại các giải thể thao trong nước, 258 huy chương tại các giải thể thao quốc tế).


Dù vậy, hiện nay đa số huấn luyện viên có thâm niên chỉ bảo đảm được công tác huấn luyện cơ bản, còn hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ…, chưa đáp ứng yêu cầu huấn luyện thể thao thành tích cao. Việc phát hiện, đào tạo vận động viên năng khiếu từ khi còn nhỏ gặp nhiều khó khăn. Nhiều hạng mục của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội bị xuống cấp…

Đoàn đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và các đơn vị trực thuộc Sở tham mưu cho thành phố tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời tiếp tục làm tốt công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao. Đoàn cũng đề nghị các quận, huyện rà soát các hạng mục công trình thể dục, thể thao cần cải tạo, đầu tư để đưa vào danh mục đầu tư thường xuyên, nhằm thúc đẩy phát triển thể thao trong học đường. 

* Cùng ngày, Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội quy định về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực tại quận Hai Bà Trưng và Sở Xây dựng.

Hiện nay, quận Hai Bà Trưng có 185 cơ sở tồn tại về phòng cháy, chữa cháy, trong đó có 171 công trình thuộc vốn đầu tư của Nhà nước, 14 công trình thuộc vốn của tư nhân. Việc khắc phục tồn tại gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, Sở Xây dựng cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 1.579 nhà chung cư cũ xây dựng từ những năm 1960 đến 1992... Đến nay, có 373 nhà chung cư, nhà tập thể… không bảo đảm về phòng cháy, chữa cháy. Với những trường hợp này, UBND thành phố đã có văn bản giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội thành phố khẩn trương thực hiện công tác cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống phòng cháy, chữa cháy. 

Đoàn đề nghị, thời gian tới, cùng với rà soát, kiểm tra, khắc phục các hạng mục về phòng cháy, chữa cháy, Sở Xây dựng và UBND quận Hai Bà Trưng cần rà soát thêm các cơ sở có nguy cơ cao về phòng cháy, chữa cháy để tuyên truyền phòng ngừa, bảo đảm an toàn…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giám sát việc khắc phục tồn tại về hoạt động thể thao và phòng cháy, chữa cháy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.