Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vi phạm nhiều, khó xử lý

Nguyễn Thanh| 09/09/2018 06:27

(HNM) - Cùng với xu thế phát triển chung của xã hội, hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội đang diễn ra hết sức sôi động.

Quảng cáo không phép trên ngã tư Lê Duẩn - Hai Bà Trưng.


Tháo dỡ gần 9.000 bảng quảng cáo, biển hiệu vi phạm

Hoạt động quảng cáo ngoài trời và hệ thống biển hiệu có ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, nhất là ở những trục đường lớn hay nút giao thông quan trọng. Mặc dù TP Hà Nội đã rất tích cực vào cuộc song những vi phạm trong hoạt động quảng cáo ngoài trời, điển hình là quảng cáo tấm lớn, biển hiệu, quảng cáo rao vặt, vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, chỉ tính từ năm 2016 đến nay, lực lượng thanh tra liên ngành đã kiểm tra, phát hiện và tháo dỡ gần 9.000 bảng quảng cáo, biển hiệu vi phạm quy định; yêu cầu chỉnh sửa nội dung, kích thước đối với hơn 50.000 biển, bảng quảng cáo.

Hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo phổ biến như: Thiếu hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo, thiếu giấy phép xây dựng đối với quảng cáo tấm lớn; bảng quảng cáo, biển hiệu không bảo đảm điều kiện về phòng, chống cháy, nổ, sai nội dung, kích thước, vị trí và số lượng... Số vụ vi phạm xuất hiện nhiều ở các quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình..., liên quan tới các thương hiệu máy lọc nước Kangaroo, hãng sơn Jymec, ngân hàng Maritime, NCB... Để đối phó với lực lượng chức năng, nhiều trường hợp đã phủ bạt che quảng cáo, biển hiệu vi phạm, không hoặc chậm trễ trong việc thực hiện quyết định xử lý của cơ quan chức năng.

Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Minh Hoàng cho biết: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm diễn ra dai dẳng là sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trong kiểm tra, xử lý vi phạm; mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Các địa phương chưa quyết liệt chỉ đạo, chưa thực hiện đúng thẩm quyền được giao”.

Trên thực tế, hiệu quả quản lý hoạt động quảng cáo chưa được như mong muốn còn do nhiều nguyên nhân khác. Trong đó có nhiều yếu tố như: Các quy định về quảng cáo và xây dựng còn có điểm chưa thống nhất; chưa có hướng dẫn cụ thể để xử lý hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng trong lĩnh vực quảng cáo. Mặt khác, nhiều nội dung trong Quy hoạch quảng cáo tấm lớn trên địa bàn TP Hà Nội năm 2012 không còn phù hợp với thực tiễn, khiến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm gặp khó khăn.

Chẳng hạn, theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt, do chưa có hướng dẫn xử lý đối với những biển hiệu có diện tích hơn 20m2 tồn tại trước khi có Luật Quảng cáo và những trường hợp lắp dựng biển hiệu quá số lượng… nên việc xử lý bảng, biển quảng cáo không phù hợp gặp rất nhiều khó khăn.

Thực hiện giải pháp đồng bộ

Trước thực trạng nói trên, mới đây, ngày 20-8-2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 3803/UBND-KT, trong đó yêu cầu các ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp khắc phục tồn tại trong hoạt động quảng cáo tấm lớn, biển hiệu, đề xuất UBND thành phố kiến nghị cấp có thẩm quyền rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định liên quan để giải quyết các vướng mắc.

Các biển hiệu quảng cáo trên phố Chùa Bộc có kích thước không đồng bộ gây mất mỹ quan đô thị. Ảnh: Thái Hiền


Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, để khắc phục những tồn tại trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời, cụ thể là những vi phạm trong quảng cáo tấm lớn, biển hiệu, trước mắt cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2050 mà UBND thành phố đã phê duyệt, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để quản lý có hiệu quả và đồng bộ hoạt động quảng cáo.

Cùng với đó, công tác thanh tra cũng cần tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung vào các cơ sở có bảng quảng cáo, biển hiệu kích thước lớn, che kín toàn bộ mặt tiền công trình, không bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ, cản trở công tác cứu hộ, cứu nạn, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân…

Về lâu dài, các ngành chức năng cần tăng cường phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước theo phân cấp; kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm, không để xảy ra trường hợp tái phạm, vi phạm mới trên địa bàn. Cần tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, công dân hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo chấp hành quy định của pháp luật về quảng cáo, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vào sự phát triển của thành phố bằng các sản phẩm quảng cáo được thực hiện theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với truyền thống văn hóa của Thủ đô.

Mặt khác, hoạt động quảng cáo không tồn tại độc lập mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chính vì vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt, chủ động hơn từ các ngành liên quan như Tài nguyên - Môi trường (quản lý đất đai), Xây dựng (cấp phép xây dựng công trình quảng cáo), Công Thương (hướng dẫn doanh nghiệp từ khi cấp phép thành lập doanh nghiệp, từ đó định hướng thực hiện Luật Quảng cáo cũng như các văn bản dưới luật)… Làm được như vậy, những vi phạm trong hoạt động quảng cáo ngoài trời sẽ được đẩy lùi, góp phần trả lại vẻ đẹp và sự quy củ cho thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm nhiều, khó xử lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.