Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếng nói cần mạnh mẽ hơn

Linh Chi| 17/09/2018 06:23

(HNM) - Thực tế cho thấy, công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Hà Nội đã dần khẳng định được vai trò. Tuy nhiên, hoạt động của tổ chức này ở cấp cơ sở vẫn chưa thật sự mạnh mẽ...

Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn Hà Nội tư vấn pháp luật cho công nhân lao động tại lễ phát động Tháng công nhân năm 2018. Ảnh: Phạm Diệp


Bám sát đời sống công nhân, lao động

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai) Phan Thanh Hải cho rằng, hoạt động công đoàn ở doanh nghiệp FDI cơ bản khá tốt. Họ rất coi trọng vấn đề năng suất lao động nên có nhiều giải pháp chăm lo, quan tâm các chế độ phúc lợi và hoạt động công đoàn để người lao động yên tâm sản xuất. Ví dụ, tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam, Ban lãnh đạo Công ty thường xuyên tạo điều kiện, phối hợp tốt cho công đoàn hoạt động, tổ chức các lễ hội, hoạt động thể dục thể thao, tham quan du lịch, tiệc tất niên... nhằm nâng cao đời sống người lao động.

Còn tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Nội Bài), công đoàn hoạt động khá hài hòa với hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị. Chủ tịch Công đoàn Công ty Đinh Quang Dương cho biết, công ty sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì lương, thưởng, đời sống của người lao động được cải thiện. Bởi vậy, công đoàn nỗ lực phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, đóng góp cho doanh nghiệp. Công đoàn cũng tập trung tuyên truyền, giáo dục, động viên công nhân lao động tích cực làm việc, có nhiều sáng kiến, sáng tạo nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, làm lợi cho doanh nghiệp. Đây là lý do doanh nghiệp thường xuyên tăng lương, thưởng cho người lao động tùy theo mức đóng góp.

Tại Khu công nghiệp Nội Bài, nhóm các công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp FDI gồm 40 thành viên thường xuyên liên lạc trực tuyến, sẵn sàng hỗ trợ nhau tháo gỡ vướng mắc, tư vấn về pháp luật, chính sách, kỹ năng thương lượng tập thể sao cho hiệu quả. Ngoài ra, nhóm này còn liên hệ trực tuyến chặt chẽ với các nhóm công đoàn cơ sở ở các khu công nghiệp khác cũng như với Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, nhằm hỗ trợ nhau hoạt động hiệu quả hơn.

Hiện nay, có khoảng 150.000 lao động đang làm việc tại doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn Thủ đô. Theo Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản, tại phần lớn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố, công đoàn hoạt động khá thực chất, đồng đều. Lãnh đạo các doanh nghiệp FDI phần lớn tôn trọng chính sách, pháp luật của Việt Nam. Việc bầu chọn cán bộ công đoàn, hoạt động của tổ chức Công đoàn hoàn toàn do người lao động quyết định.

Lãnh đạo doanh nghiệp không can thiệp mà còn tạo điều kiện cho hoạt động công đoàn, nhất là tại các doanh nghiệp như: Canon, Denso, Toto, Nippon Paint, Asti… Bên cạnh đó, Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn kịp thời, giúp công đoàn cơ sở nâng cao năng lực xử lý vướng mắc, kỹ năng thương lượng, theo sát nguyện vọng, đời sống công nhân lao động…

Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ đoàn viên

Trao quà hỗ trợ công nhân tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Nội Bài).


Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động công đoàn tại các doanh nghiệp FDI vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở doanh nghiệp hoạt động không ổn định. Cụ thể, còn có những doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các chính sách, pháp luật lao động của Việt Nam; nhất là về chế độ lương, thưởng, bảo hiểm xã hội. Cán bộ công đoàn không có tư thế thật sự bình đẳng đối với giới chủ doanh nghiệp khi đứng ra bảo vệ người lao động. Bởi đội ngũ này hoạt động kiêm nhiệm, tiền lương do chủ doanh nghiệp chi trả, nếu càng tích cực đấu tranh cho quyền lợi người lao động càng có nguy cơ bị gây khó khăn trong công việc chuyên môn, trong đánh giá của chủ doanh nghiệp…

Ông Đinh Quốc Toản cho biết, đã có nhiều cán bộ công đoàn doanh nghiệp FDI bị phân biệt đối xử dưới các hình thức: Buộc thôi việc, thuyên chuyển công tác đến các vị trí khác, thậm chí bị trù dập khi đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động... Vì vậy, rất cần có cơ chế phù hợp để cán bộ công đoàn hoạt động hiệu quả, yên tâm làm việc.

Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ công đoàn không ổn định, thường xuyên có biến động. Một số cán bộ công đoàn còn gặp khó khăn về việc tiếp cận thông tin, nhất là thông tin liên quan đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (hiệu quả kinh doanh liên quan đến chế độ lương, thưởng cho người lao động) hoặc khi có thông tin thì cán bộ công đoàn (do hạn chế về trình độ) cũng không đủ năng lực phân tích, đánh giá để có căn cứ đấu tranh với lãnh đạo doanh nghiệp…

Ngoài ra là đội ngũ công nhân nhìn chung trình độ văn hóa, am hiểu pháp luật còn thấp, hơn nữa, nhiều quy phạm pháp luật còn chung chung khó áp dụng trong thực tiễn. Một số chủ doanh nghiệp, nhất là người nước ngoài chưa thấy hết vai trò của tổ chức công đoàn nên chưa quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động công đoàn...

Đất nước tham gia vào các hiệp định thương mại song phương và đa phương tất yếu kéo theo những yêu cầu mới đối với hoạt động công đoàn. Cùng với đó là tác động mạnh mẽ từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tất cả đòi hỏi phương thức hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp FDI cũng tiếp tục phải thay đổi.

Bên cạnh việc tiếp tục kiến nghị, xây dựng cơ chế hoạt động phù hợp thì tổ chức công đoàn cần đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động tư vấn, hỗ trợ đoàn viên; thể hiện rõ hơn vai trò của mình trong thương lượng tập thể, đối thoại xã hội và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bền vững; đáp ứng yêu cầu chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng nói cần mạnh mẽ hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.