Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giúp lao động hiểu rõ quyền, nghĩa vụ

Linh Chi| 19/09/2018 06:53

(HNM) - Công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật của tổ chức công đoàn đã và đang giúp người lao động hiểu rõ về quyền và thực hiện tốt nghĩa vụ của mình.


Ông Phạm Minh Thành lái xe cho Công ty TNHH Sản xuất Đức Anh (thuộc địa bàn huyện Gia Lâm). Vì vi phạm kỷ luật lao động, ông Thành không được công ty ký tiếp hợp đồng lao động từ ngày 1-7-2018. Không đồng ý với quyết định này, ông Thành làm đơn yêu cầu công đoàn bảo vệ quyền lợi. Ngày 15-8, tại cuộc làm việc giữa công đoàn với ông Thành và đại diện Công ty TNHH Sản xuất Đức Anh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn Hà Nội Vũ Thị Hương phân tích rõ: Ông Thành vi phạm kỷ luật nên chỉ có thể kiến nghị giải quyết quyền lợi. Công ty TNHH Sản xuất Đức Anh phải xây dựng lại nguyên tắc ký kết hợp đồng; có quy chế, tiêu chí đánh giá lao động rõ ràng làm căn cứ đánh giá việc người lao động không hoàn thành nhiệm vụ, mới có thể chấm dứt hợp đồng. Công ty cũng phải xây dựng nội quy lao động, đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Kết quả, ông Thành phải chấm dứt hợp đồng, không khiếu kiện; công ty đồng ý bồi thường cho ông Thành 4 tháng lương (22 triệu đồng). Từ vụ việc này cho thấy, cả người lao động và doanh nghiệp đều thực hiện không đầy đủ các quy định về pháp luật lao động, gây khó khăn cho việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Tình trạng này tương đối phổ biến trên địa bàn thành phố. Tổ trưởng Tổ tư vấn pháp luật công đoàn quận Ba Đình Nguyễn Đức Vinh cho biết, tại các doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn, người sử dụng lao động thường không nghiêm túc chấp hành pháp luật lao động. Trong khi đó, nhận thức của người lao động về vấn đề này vẫn còn hạn chế. Đây là nguy cơ tiềm ẩn gây ra tranh chấp lao động. Với kinh nghiệm 14 năm làm Hội thẩm nhân dân, ông Vinh đã tham gia xử lý không ít vụ tranh chấp lao động. Trong đó, Tổ tư vấn pháp luật công đoàn phải tìm hiểu, phân tích cho người lao động thấy được vi phạm của mình; đồng thời đấu tranh bảo vệ quyền lợi ở mức cao nhất cho chính họ.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn Hà Nội Vũ Thị Hương, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã phối hợp với Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức 60 cuộc tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động về Luật Lao động, Luật Công đoàn và các văn bản pháp luật liên quan tới người lao động cho gần 10.000 công nhân, viên chức, lao động. Đồng thời, trung tâm phối hợp giải quyết một số vụ tranh chấp lao động; tư vấn cho các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn xây dựng nội quy lao động; phối hợp tổ chức đối thoại về các nội dung pháp luật liên quan quyền và nghĩa vụ của người lao động…

Đặc biệt, trước nhu cầu tư vấn, hỗ trợ về pháp luật lao động ngày một tăng, trung tâm đã tổ chức tư vấn lưu động tại các khu nhà trọ, doanh nghiệp. Thông qua đó, người lao động đã hiểu hơn về quyền và thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, nhằm giữ được việc làm, nâng cao đời sống, tự bảo vệ chính mình trong quan hệ lao động. Hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức công đoàn đã từng bước tạo được niềm tin pháp lý cho đoàn viên, người lao động.

Để thực hiện mục tiêu 95% người lao động được phổ biến, tuyên truyền về pháp luật do Liên đoàn Lao động thành phố đề ra, các cấp Công đoàn Thủ đô cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Đình Hùng đề nghị, Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn Hà Nội cần tích cực, chủ động hơn trong phối hợp giải quyết kịp thời, triệt để các tranh chấp lao động, đặc biệt trong khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội… nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giúp lao động hiểu rõ quyền, nghĩa vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.