Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tục nhanh, sức ép lớn

Hà Phong| 13/10/2018 07:28

(HNM) - Sau 3 năm thi hành Luật Hộ tịch, TP Hà Nội đã đưa công tác đăng ký quản lý hộ tịch vào nền nếp, với giấy tờ phải thực hiện ngày càng giảm đi, thủ tục triển khai nhanh gọn hơn.


Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thanh Cao cho biết, điểm nổi bật trong quá trình triển khai Luật Hộ tịch trên địa bàn Hà Nội là thành phố đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch. Đến nay, 100% đơn vị cấp xã trên địa bàn Hà Nội đã triển khai áp dụng phần mềm đăng ký khai sinh. Việc này không những bảo đảm thi hành một cách đồng bộ Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân mà còn giúp các cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, đăng ký khai sinh có thể theo dõi được toàn bộ quá trình thực thi của các đơn vị trực tiếp thực hiện; tra cứu chéo, không để xảy ra trường hợp một công dân được đăng ký khai sinh tại nhiều nơi.

Ở chiều ngược lại, việc khai thác, sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch đã giảm thời gian chờ đợi của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch. Nếu như trước, phải tìm sổ gốc hộ tịch hàng trăm trang mới thấy một sự kiện hộ tịch, thì nay chỉ cần nhập dữ liệu, phần mềm tự động cập nhật để tìm thông tin của nhân thân. Tình trạng “sinh không khai, tử không báo” được giảm thiểu. Đa số người dân đã tự giác đi đăng ký các sự kiện hộ tịch theo đúng thời gian quy định.

Bên cạnh những ưu điểm, quá trình thực hiện Luật Hộ tịch cũng phát sinh một số vấn đề. Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn (quận Long Biên) Nguyễn Văn Thắng cho hay, số lượng hồ sơ hành chính lĩnh vực tư pháp - hộ tịch cấp xã, phường thường chiếm hơn 80% hồ sơ hành chính. Trong khi, cán bộ tư pháp, hộ tịch thường phải đảm nhiệm khối công việc lớn. Nhiều tình tiết phức tạp mà Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa dự liệu và chưa điều chỉnh.

Trên cơ sở những vướng mắc qua 3 năm triển khai thực hiện Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất. Trong đó có đề xuất sửa Thông tư số 15/2015/TT-BTP của Bộ Tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về hộ tịch trong thời gian tới. Ngoài ra, nhiều nội dung mâu thuẫn cũng cần chỉnh sửa. Điển hình là Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/ 2015/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, người mẹ bỏ đi nhưng trong Giấy khai sinh của trẻ vẫn có thông tin của người mẹ (trẻ có Giấy chứng sinh). Song khi làm thủ tục liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký hộ khẩu thường trú thì trẻ em không thể nhập được hộ khẩu vì Công văn số 621/C64-P2 ngày 10-5-2012 của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội yêu cầu khi giải quyết đăng ký thường trú cho trẻ mới sinh mà cả bố và mẹ có hộ khẩu ở hai nơi khác phải xuất trình sổ hộ khẩu của cả bố, mẹ. Tuy nhiên, không thể xuất trình hộ khẩu của người mẹ do người mẹ đã bỏ đi. Ví dụ khác, Luật Hộ tịch không quy định rõ quy trình giải quyết nhu cầu cải chính, vừa có nhu cầu bổ sung hộ tịch tại UBND cấp huyện khiến có nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận các phản ánh vướng mắc nêu trên và cam kết sẽ hoàn thiện cơ chế phối hợp, nâng cao trách nhiệm của từng ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến hộ tịch. “Trước mắt, chúng tôi sẽ tổng hợp chung lại sau khi các địa phương khác tiến hành sơ kết 3 năm thi hành Luật Hộ tịch để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện về thể chế, làm sao hiểu đúng, áp dụng đúng các quy định của luật” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tục nhanh, sức ép lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.