Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nan giải kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm

Quỳnh Dung| 16/10/2018 06:44

(HNM) - Trung bình, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ lượng lớn nông sản, thực phẩm, nhưng sản xuất mới chỉ đáp ứng được 60% còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố...


Tiêu hủy gần 256kg sản phẩm không rõ nguồn gốc


Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, trong 9 tháng năm 2018, Chi cục đã thanh tra, kiểm tra tại 121/175 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản. Theo đó, các đoàn thanh tra đã phát hiện và xử lý 11.456kg sản phẩm vi phạm về hàng hóa theo quy định bao gồm: 3.822kg sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ như: thịt đông lạnh, mộc nhĩ, chân gà; 271kg sản phẩm nông sản hết hạn sử dụng; 4.790kg sản phẩm không ghi đầy đủ nội dung bắt buộc… Đoàn kiểm tra đã tiêu hủy gần 256kg sản phẩm hàng hóa hết hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội cũng kiểm tra đột xuất, lấy 192/231 mẫu để kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm. Hiện đã có 167 mẫu, trong đó 11 mẫu vi phạm chỉ tiêu an toàn thực phẩm (chiếm 6,59%).

Cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm ở cơ sở chế biến gà tại huyện Đông Anh.


Lý giải về những vi phạm trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, hiện nay sản xuất, sơ chế, chế biến, kênh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiêu dùng vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống nên chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, thiếu nhãn mác để nhận diện sản phẩm. Vì vậy, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp và an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát triệt để ở tất cả các khâu từ sản xuất đến chế biến.

Bên cạnh đó, giá nông sản bấp bênh, chưa liên kết được với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, nên đầu ra không ổn định, thiếu bền vững khiến cho người dân chưa quan tâm tới xây dựng thương hiệu truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Hiện tại, chưa có quy định mức giới hạn an toàn thực phẩm trong một số sản phẩm nông sản, thực phẩm, đặc biệt là các quy định về mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm có nguồn gốc thực vật, nên khi kiểm tra vẫn phát hiện một số dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho biết, dù thành phố đã phân cấp trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, các địa phương đã bắt đầu đi vào nền nếp nhưng việc thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm ở các địa phương còn thụ động, chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm, chủ yếu chỉ nhắc nhở, cảnh cáo đối với các vi phạm dẫn đến số cơ sở vi phạm còn ở mức cao, không bảo đảm tính răn đe và thực thi nghiêm pháp luật. Hơn nữa, các địa phương cũng chưa kiểm soát được an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm sản xuất từ khu vực kinh doanh nhỏ lẻ, thủ công.

Khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo chuỗi

Để tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế những vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra chất lượng, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, các địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp liên kết chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Các sở, ngành tham mưu cho thành phố có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản sạch và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương mở những lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý cho cán bộ làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở xã, phường, thị trấn. Các địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác quản lý an toàn thực phẩm và phối hợp tốt với các đoàn thể chính trị, xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát để bảo đảm an toàn thực phẩm.

Chính quyền địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm để bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh được công bằng. Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành đầy đủ những quy chuẩn, tiêu chuẩn về cơ sở, sản phẩm nông, lâm, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm để các tổ chức, cá nhân căn cứ tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn được công bố và tự chịu trách nhiệm pháp lý trước pháp luật, giảm thiểu tối đa chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh nông sản trên thị trường.

Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương nghiên cứu trình Chính phủ ban hành đầy đủ cơ chế chính sách để hỗ trợ xây dựng chuỗi, các chính sách hỗ trợ vùng sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi nông sản, tạo ra sự liên kết giữa các địa phương với nhau nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, đặc sản vùng, miền, đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các chính sách cần được tập trung đều ở các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm để động viên khuyến khích kịp thời cho các tác nhân tham gia phát triển chuỗi nhằm hạn chế vi phạm trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nan giải kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.