Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Tiến Thành| 20/10/2018 07:05

(HNM) - Tình trạng sử dụng, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn TP Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Để khắc phục những tồn tại này đòi hỏi lực lượng chức năng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp...

Tổ công tác 141 (Công an TP Hà Nội) kiểm tra đối tượng nghi vấn sử dụng công cụ “nóng”.


Nguy cơ từ vũ khí “nóng”

Ngày 13-10 vừa qua, một vụ án liên quan đến sử dụng vũ khí đã xảy ra tại quận Nam Từ Liêm. Kết quả điều tra ban đầu của Công an quận Nam Từ Liêm cho biết, xuất phát từ mâu thuẫn trong lúc nói chuyện, nghi phạm Lê Anh Dũng (sinh năm 1975, trú ở quận Hoàn Kiếm) đã dùng súng bắn 3 phát vào vợ là chị P.L.T. (sinh năm 1977) khi nạn nhân đang đứng trước sảnh tòa nhà CT2C chung cư VOV (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm). Vết thương không gây nguy hiểm đến tính mạng chị T. nhưng vụ việc này cho thấy công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn chưa chặt chẽ.

Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra hơn 20 vụ sử dụng, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, súng tự chế. Thượng tá Lê Khắc Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) đánh giá, tình trạng tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép trên địa bàn Hà Nội vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Nhiều băng, ổ nhóm, đối tượng phạm tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng để thực hiện hành vi phạm pháp. Đơn cử như đầu tháng 9-2018, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP Hà Nội) đã triệt phá thành công đường dây mua bán trái phép ma túy liên tỉnh, bắt giữ 4 đối tượng cùng nhiều tang vật. Trong đó có 3 khẩu súng, 168 viên đạn, 2 hộp tiếp đạn.

Thực tế, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cũng gặp không ít khó khăn, bất cập. Theo Thượng tá Ngô Duy Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP Hà Nội), các đối tượng mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ thường thực hiện giao dịch công khai trên các trang mạng xã hội có máy chủ ở nước ngoài, không có địa chỉ cụ thể gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Các dịch vụ vận chuyển hàng hóa hiện nay cũng chưa được quản lý chặt nên đã tạo cơ hội cho các đối tượng thực hiện hành vi mua bán, vận chuyển trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Ngoài ra, lượng vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ sót lại sau chiến tranh vẫn còn trong nhân dân nhưng công tác vận động thu hồi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Công an thành phố thiếu kho lưu giữ tang vật là vật liệu nổ, gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo quản sau thu hồi..

Phối hợp nhiều giải pháp

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 14/2017/QH14 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2018 đã đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP Hà Nội), trước đây, công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chưa được quy định cụ thể tại Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, do đó hiệu lực pháp lý chưa cao. Việc ban hành luật đã tạo hành lang pháp lý cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ, đồng thời huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia công tác này.

Tang vật của một vụ án bị công an thu giữ. 


Nhằm quản lý chặt chẽ vấn đề này, ngay từ đầu năm 2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 01/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ và phòng chống cháy, nổ trên địa bàn thành phố. Chỉ thị yêu cầu, Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và các đơn vị triển khai kế hoạch cao điểm, thực hiện thanh, kiểm tra, kiên quyết đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo quản, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, công tác phòng, chống cháy, nổ. Đồng thời mở các đợt vận động, thu hồi, tiếp nhận, phân loại, bảo quản, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Ngoài những giải pháp nêu trên, việc vận động nhân dân cùng tham gia cũng đang được đẩy mạnh. Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho rằng, vận động cán bộ, nhân dân tự giác chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là giải pháp quan trọng nhằm khắc phục những tồn tại đang đặt ra.

Thống kê của Bộ Công an cho thấy, qua 6 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, công an các đơn vị, địa phương đã vận động nhân dân giao nộp gần 98.649 khẩu súng các loại; hơn 5.160 quả bom; 5.392 lựu đạn, mìn; 33.480 quả đạn, đầu đạn; 47.452kg thuốc nổ; 143.753 kíp nổ.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện đồng bộ các giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.