Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần giải pháp đồng bộ

Hà Hiền| 15/11/2018 06:38

(HNM) - Nhiều nghiên cứu chỉ rõ, người lao động ở nước ta đang đứng trước nguy cơ vướng “bẫy thu nhập trung bình” khi tốc độ tăng năng suất lao động thấp hơn tốc độ tăng bình quân của GDP và mức tăng lương tối thiểu.

Nhiều lao động ở xã Vật Lại (huyện Ba Vì) chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, có thu nhập cao hơn.


Chưa bền vững

Làm nông nghiệp không mang lại hiệu quả như mong muốn, cuối năm 2017, chị Nguyễn Thị Hồng (xóm 1, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì) học và chuyển sang làm nghề mộc dân dụng. Nghề mới mang lại cho chị Hồng mức thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, kinh tế gia đình được cải thiện, con cái được chăm sóc tốt hơn. Tương tự chị Hồng, hằng ngày, lao động ở xã Vật Lại và nhiều xã khác hối hả vào nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh làm việc với mong muốn có thêm thu nhập.

“Từ một xã thuần nông với gần 100% lao động làm nông nghiệp, hiện nay, đa số người dân xã Đông Xuân chuyển sang làm nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Sáng sáng, người lao động theo xe vào nội thành làm việc, chiều tối lại trở về. Nghề nông từ nghề chính chuyển thành nghề phụ”, ông Bùi Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) cho hay.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, mỗi năm gần đây, TP Hà Nội có khoảng 50.000 - 70.000 lao động chuyển từ địa phương này sang địa phương khác và 30.000 - 40.000 lao động ngoại tỉnh vào Hà Nội. Dự báo trong giai đoạn 2018-2020, số lao động nhập cư, di cư trên địa bàn TP Hà Nội vào khoảng hơn 70.000 đến hơn 90.000 người/năm. Số lao động này chủ yếu làm việc trong ngành dịch vụ (khoảng 66%), tiếp đến là ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo (khoảng 32%)…

Dẫn chứng nêu trên cho thấy thị trường lao động ở Hà Nội đang chuyển dịch từ ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao hơn, từ những vùng kinh tế kém phát triển sang khu vực phát triển. Tại Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, thị trường lao động thể hiện rõ nét bức tranh chung của thị trường lao động Việt Nam. Trên phạm vi cả nước, hiện nay, tỷ lệ lao động, việc làm giảm nhanh ở ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, tăng nhanh ở ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ.

“Theo hướng phát triển này, sự tăng trưởng về năng suất lao động mới thể hiện trên bề rộng, chưa có sự chuyển dịch theo chiều sâu trong từng ngành nên chưa bền vững. Người lao động đứng trước nguy cơ mắc kẹt ở mức thu nhập trung bình, khó mang lại thu nhập cao hơn”, ông Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Thành, năng suất lao động bình quân ở nước ta đạt 60,73 triệu đồng/lao động vào năm 2017 và dự kiến sẽ tăng trong năm 2018. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2012-2017 đạt 5,3%, thấp hơn tốc độ tăng bình quân của GDP khoảng 6,21%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng lương thực tế khoảng hơn 12% trong cùng thời gian.

Với đà tăng trưởng hiện nay, phải mất hàng chục năm nữa năng suất lao động ở nước ta mới theo kịp những nước phát triển. Đáng lưu ý, những ngành thu hút nhiều lao động như công nghiệp chế biến, xây dựng, điện, nước, khí đốt, vận tải, kho bãi, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… có năng suất lao động thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực.

Chủ động thay đổi

Năng suất lao động là chỉ số đo lường hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cũng là yếu tố then chốt quyết định tiền lương, thu nhập, cơ hội thăng tiến của người lao động. Trong bối cảnh cơ cấu dân số “vàng” sắp qua, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, năng suất lao động của nước ta sẽ tụt lại khá xa so với các nước trong khu vực nếu thiếu giải pháp tạo đà tăng năng suất lao động hiệu quả.

Để tăng năng suất lao động, ngoài những giải pháp đã và đang triển khai, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) mong muốn các cơ quan chức năng xây dựng chính sách đào tạo nghề phù hợp hơn cho người lao động, đặc biệt là lao động thuộc ngành nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, bảo đảm cho lao động dịch chuyển từ nhóm ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn. Nhà nước nên có chính sách khuyến khích các ngành tự đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Các chuyên gia của VEPR đề xuất ý tưởng xây dựng phong trào tăng năng suất lao động trên phạm vi rộng khắp, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… từng thực hiện thành công. Qua phong trào này, người lao động dần thay đổi tư duy, tác phong làm việc, từ đó năng suất lao động sẽ tăng.

Ở góc độ khác, ông Hồ Đình Bảo (Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, các cơ quan, doanh nghiệp nên áp dụng phương pháp quản trị tinh gọn, từng bước giảm lãng phí trong sản xuất, kinh doanh; khuyến khích người lao động thực hiện sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hướng tới mục tiêu tăng năng suất lao động.

Trên thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã hiện thực hóa mục tiêu nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tạo dựng uy tín vững chắc trên thị trường nhờ chủ động đổi mới cách thức quản lý, tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho người lao động.

Do đó, ngoài các giải pháp hỗ trợ, trước hết, mỗi người lao động, mỗi doanh nghiệp cần chủ động phát huy năng lực, sở trường, làm việc với ý thức trách nhiệm cao và tinh thần cầu thị, góp phần đưa năng suất lao động tăng lên, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần giải pháp đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.