Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà cổ ở làng Cự Đà ngày thêm vắng bóng

Minh Huệ| 16/11/2018 12:26

((HNMO) - Nằm ven sông Nhuệ, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km, làng Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) xưa kia nổi tiếng là một làng giàu có, giao thương tấp nập “trên bến dưới thuyền”… Đến nay, những ngôi nhà cổ trong làng Cự Đà còn sót lại  là minh chứng về sự thịnh vượng một thời.

((HNMO) - Nằm ven sông Nhuệ, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km, làng Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) xưa kia nổi tiếng là một làng giàu có, giao thương tấp nập “trên bến dưới thuyền”… Đến nay, những ngôi nhà cổ trong làng Cự Đà còn sót lại  là minh chứng về sự thịnh vượng một thời.

Khoảng hơn chục năm trước, ai có dịp đến làng Cự Đà đều say đắm trước vẻ đẹp của một làng quê thanh bình, với không gian cổ kính được tạo nên bởi những con đường xếp gạch nghiêng, những ngôi nhà rêu phong hàng trăm năm tuổi. Ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng thôn Cự Đà cho biết, thời điểm năm 2003-2004, trong làng còn đến hơn 250 ngôi nhà có “tuổi đời” từ hơn trăm năm đến 300 năm được giữ nguyên vẹn. Thế nhưng cho đến nay, ở Cự Đà chỉ còn giữ được 55 ngôi nhà cổ. “Thật đáng tiếc, bởi những ngôi nhà cổ chính là hồn cốt, tạo nên nét đặc trưng riêng có của làng Cự Đà so với các làng quê khác!” - ông Vũ Văn Tuấn bùi ngùi.

Những ngôi nhà cổ ở làng Cự Đà đang dần vắng bóng


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những ngôi nhà cổ ở Cự Đà dần vắng bóng. Trước hết, trải qua thời gian, các ngôi nhà bị xuống cấp đòi hỏi phải được sửa chữa, trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, đối với những ngôi nhà cổ để sửa chữa, trùng tu cần chi phí số tiền rất lớn vì vật liệu chủ yếu là gỗ và công thợ lại rất cao. Do đó, không phải gia đình nào có nhà cổ cũng có thể đáp ứng được. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có nhà cổ lại đông con cháu, sức ép về chỗ ở ngày càng lớn, trong khi quỹ đất để xây nhà ở hạn hẹp nên giải pháp phá dỡ nhà cổ để xây dựng nhà kiên cố, cao tầng đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cuộc sống là ưu tiên số một.

Hiện nay, ở làng Cự Đà chỉ còn sót lại 55 ngôi nhà cổ


Một lý do nữa khiến nhiều ngôi nhà cổ ở làng Cự Đà bị phá bỏ là để dành mặt bằng cho phát triển nghề làm miến. Nghề làm miến ở Cự Đà đã có từ lâu. Những năm trước, có đến 80% hộ gia đình trong làng làm nghề này. Tuy nhiên, thời điểm đó, chủ yếu sản xuất bằng thủ công, bình quân mỗi ngày, mỗi gia đình chỉ sản xuất được ngót nghét 1 tạ miến, bởi vậy, nhu cầu về mặt bằng là không lớn. Hiện nay, hầu hết các công đoạn làm miến đã được cơ giới hóa, năng suất được nâng cao hơn so với trước rất nhiều nhưng đòi hỏi phải có mặt bằng rất lớn để sản xuất. Vì thế, không ít hộ gia đình có nhà cổ nhưng làm nghề tráng miến đã phải “bất đắc dĩ” phá bỏ nhà để lấy mặt bằng sản xuất. Điển hình như ngôi nhà cổ khoảng 300 năm tuổi ở xóm Hiếu Đễ, cách đây hơn 1 năm, chủ nhân đã phá bỏ để thay vào đó là ngôi nhà kiên cố, cao tầng với diện tích mỗi sàn 120m2 tạo điều kiện cho sản xuất miến.

Những ngôi nhà cổ một thời đã tạo nên vẻ đẹp của làng Cự Đà được nhiều người yêu mến


Trong vòng khoảng 15 năm, gần 200 ngôi nhà cổ ở Cự Đà đã bị phá bỏ. Theo nhiều người dân trong làng, thì số lượng nhà cổ bị phá dỡ nhiều nhất tập trung vào một vài năm trở lại đây, khi các gia đình trong làng được nhận tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để xây dựng các khu đô thị. Có tiền, lại đang có nhu cầu về chỗ ở nên các gia đình có nhà cổ “ồ ạt” phá bỏ để xây nhà mới cao tầng.

Hơn 50 ngôi nhà cổ ở làng Cự Đà còn tồn tại cho đến ngày hôm nay, một phần các chủ nhân không làm nghề tráng miến; số khác vì yêu quý nét kiến trúc, không gian sống xưa, cộng thêm không phải chịu sức ép về chỗ ở do đông con cháu nên họ quyết tâm tôn tạo và lưu giữ lại. Ông Trịnh Thế Sủng - chủ nhân ngôi nhà cổ hiện còn được giữ lại ở xóm Đồng Nhân Cát, làng Cự Đà cho biết, gia đình ông cũng đủ điều kiện để phá bỏ nhà cổ, xây dựng ngôi nhà mới kiên cố, cao tầng như nhiều gia đình khác trong làng. Nhưng vì gia đình ông không phải chịu sức ép về thiếu chỗ ở, trong khi ông và người thân trong gia đình đều rất yêu nếp nhà cổ nên thống nhất giữ lại được thời gian nào hay thời gian đó.

Làng Cự đà hôm nay, thay vào những ngôi nhà cổ là san sát nhà kiên cố, cao tầng


Những năm qua, mặc dù các cấp chính quyền có biết thực trạng phá bỏ nhà cổ ở làng Cự Đà nhưng cũng chỉ biết tuyên truyền, vận động các gia đình cố gắng để giữ lại, chứ chưa có biện pháp, giải pháp hữu hiệu để tôn tạo, bảo tồn nhằm lưu giữ cho mai sau. Ngay như việc quy hoạch quỹ đất giãn dân để giảm áp lực về nhu cầu đất ở, từ đó góp phần giữ lại nhiều ngôi nhà cổ không bị phá bỏ cũng nhùng nhằng mất nhiều thời gian và đến nay vẫn nằm trên giấy. Bên cạnh đó, khác với làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), các ngôi nhà cổ ở làng Cự Đà chưa được xếp hạng di tích nên chính quyền các cấp không có chế tài để bảo tồn, lưu giữ.

Ngày nay, ở làng Cự Đà, thay vào những con đường làng, ngõ xóm xếp gạch nghiêng là những con đường bê tông; lác đác nhà gỗ mái ngói rêu phong, cổ kính lọt thỏm giữa san sát những nhà cao tầng bê tông, cốt thép. Chứng kiến khung cảnh này, hẳn ai đã biết đến Cự Đà những năm trước không khỏi chạnh lòng tiếc nuối. Những người già trong làng thì mong mỏi, dù muộn còn hơn không, các cấp, các ngành chức năng nên có chính sách hỗ trợ để tôn tạo, bảo tồn những ngôi nhà cổ còn sót lại ở Cự Đà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà cổ ở làng Cự Đà ngày thêm vắng bóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.