Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chọn lợi ích kinh tế hay sức khỏe con người?

Hương Ly| 17/11/2018 07:38

(HNM) - Mỗi ngày, tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia gây tổn thất cho nền kinh tế nước ta 250 tỷ đồng; mỗi năm rượu, bia gây tổn thất ít nhất 1,3% GDP quốc gia…

Khẳng định rượu, bia là vòng tròn luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật, bạo lực, bạo hành…, các đại biểu đề xuất hoàn thiện việc xây dựng luật theo hướng chặt chẽ, xác định rõ việc chọn lợi ích kinh tế hay sức khỏe con người.

Một trường hợp ngộ độc rượu trong tình trạng hôn mê. Ảnh: Thái Hiền


Hậu quả nặng nề, không thể đo đếm

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) dẫn số liệu từ năm 2014 đến năm 2016, trong khi mức tiêu thụ rượu, bia toàn cầu tăng không đáng kể, thì lượng rượu, bia người Việt tiêu thụ lại gấp đôi. Từ dẫn chứng cụ thể này, đại biểu nhấn mạnh: Đã đến lúc phải đưa đất nước ra khỏi vị trí “hàng đầu” không mấy tốt đẹp về tiêu thụ rượu, bia. Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, mỗi ngày tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia gây tổn thất 250 tỷ đồng, chưa kể hậu quả nặng nề và lâu dài cho xã hội là không thể đo đếm được. Thế nhưng, hiện nay, các địa điểm bán rượu, bia không phải tốn công đi tìm mà có ở mọi lúc, mọi nơi. Trong khi đó, một số liệu khảo sát mới đây cho thấy, hơn 70% người được hỏi nhận thức chưa tốt về tác hại của rượu, bia.

“Chúng ta khó quên hình ảnh người đứng đầu Chính phủ thân chinh tới các đơn vị chỉ đạo và giao kế hoạch tăng trưởng để GDP cán mốc 6,7%. Điều đó cho thấy, để nhích lên từng chút một, cả hệ thống phải vất vả, nỗ lực như thế nào. Thế nhưng, ở chiều ngược lại, mỗi năm rượu, bia lại gây tổn thất ít nhất 1,3% GDP quý giá của quốc gia” - đại biểu Phạm Trọng Nhân phân tích.

Nhấn mạnh rượu, bia là vòng tròn luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật, của bạo lực, bạo hành, đại biểu Phạm Trọng Nhân mong muốn, mỗi người hãy tự đặt mình vào những gia đình có người thân nghiện rượu, nợ nần chồng chất, bạo lực, bạo hành. Hãy thử một lần lắng nghe tiếng khóc của người vợ mất chồng, người con mất cha do việc nghiện rượu gây ra… thì chắc chắn chúng ta sẽ có sự sẻ chia với nỗi đau của những người ở lại. “Chúng ta chọn bảo vệ sức khỏe nhân dân hay 50 nghìn tỷ đồng lợi nhuận đem lại từ kinh doanh rượu, bia mỗi năm? Nhưng cũng đừng quên rằng, tổn thất do rượu, bia để lại lên đến 65 nghìn tỷ đồng. Tôi mong rằng, dự thảo luật sẽ được xây dựng chặt chẽ” - đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu ý kiến.

Chung quan điểm này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) ủng hộ sớm có luật này vì tác hại của rượu, bia ngày càng nhiều và nghiêm trọng. Ngoài việc phòng, chống tác hại của rượu, bia, luật cần hướng dẫn, tạo điều kiện để rượu, bia tồn tại trong đời sống tốt hơn, văn minh hơn. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng: Cần hạn chế nội dung, địa điểm, thời gian và loại hình khi quảng cáo rượu, bia và không cần giới hạn độ cồn, bởi "Rượu nhạt uống lắm cũng say...".

Đặt lên bàn cân lợi ích về sức khỏe

Góp ý kiến xây dựng dự thảo luật, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) kiến nghị sửa tên luật thành "Luật Kiểm soát rượu bia" để có sự bao quát, chính xác hơn về mục tiêu. Nếu chỉ nói phòng, chống tác hại của rượu, bia thì mới chỉ đề cập khía cạnh y tế. Trong khi đó, nói về tác hại của rượu, bia phải xét trên nhiều khía cạnh: Y tế, kinh tế, văn hóa và thói quen lâu đời.

Theo đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi (Đoàn Cần Thơ), với tình trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng tăng nhanh ở Việt Nam như hiện nay thì việc ban hành một dự luật để kiểm soát, phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn là cần thiết. Đại biểu cũng bày tỏ mong muốn nên có quy định cụ thể hơn nữa trong thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với người chưa thành niên, đối với thanh niên để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa do độ tuổi tiếp cận với rượu, bia đang ngày càng trẻ hóa.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến đóng góp trên tinh thần “vấn đề nào có lợi cho dân thì làm”. Nhấn mạnh đây là luật khó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, có sự “đối đầu” giữa mong muốn luật sẽ bảo vệ sức khỏe con người và một bên là doanh thu, lợi nhuận của nhà sản xuất. Song, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ra đời với góc độ tiếp cận ở khía cạnh sức khỏe nhiều hơn và khả thi hơn. Kinh nghiệm của quốc tế cũng cho thấy, giải pháp hạn chế tác hại của rượu, bia là phải giảm tính sẵn có của đồ uống này, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và kiểm soát quảng cáo. “Phải đặt lên bàn cân giữa cái lợi về kinh tế và cái lợi về an sinh xã hội, sức khỏe con người” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Trước những ý kiến khác nhau về tên gọi của dự án luật, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị giữ nguyên tên gọi nhằm bảo đảm tính dễ hiểu, đơn giản, không làm ảnh hưởng đến văn hóa rượu, bia. Bộ trưởng cũng cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu để trình Quốc hội xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chọn lợi ích kinh tế hay sức khỏe con người?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.