Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp cứu bằng xe 2 bánh: Nên nhân rộng

Thanh Tàu| 19/11/2018 06:50

(HNM) - Mới đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đưa vào thí điểm mô hình cấp cứu cơ động bằng xe 2 bánh tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Mô hình này giúp hoạt động cấp cứu ngoại viện hiệu quả hơn trong điều kiện giao thông còn nhiều khó khăn nên rất cần được nhân rộng.

Xe cấp cứu giữa dòng người trên đường Nguyễn Thị Nghĩa (Q.1, TP.HCM)ẢNH: NGỌC DƯƠNG


Chỉ sau 2 tuần hoạt động, mô hình cấp cứu bằng xe 2 bánh đã được người dân đánh giá là tiện lợi. Đơn cử, ông Nguyễn Tám (92 tuổi, ngụ tại quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi bị đau, co giật từ bàn chân trái lên đến khớp gối và có dấu hiệu nặng dần. Người thân gọi điện đến Trung tâm Cấp cứu 115 để đưa tôi đến bệnh viện. Ngay sau đó, lực lượng cấp cứu đã đến nhà bằng xe máy 2 bánh, trong đó có bác sĩ và điều dưỡng viên đến tận giường tôi thăm khám, tiêm, kê đơn thuốc”. Theo ông Tám, sau một ngày được cấp cứu tại nhà, sức khỏe của ông đã đỡ rất nhiều.

Tương tự, bệnh nhân L.T.H (54 tuổi, ngụ tại quận 1) được gia đình gọi đến bệnh viện báo là mệt và khó thở. Tuy nhiên, lúc này xe cứu thương của bệnh viện đang đi cấp cứu cho một trường hợp khác, các bác sĩ đã tự lấy xe gắn máy cá nhân tới nhà người bệnh. Chỉ sau khoảng 10 phút, bác sĩ đã có mặt, kịp thời sơ, cấp cứu rồi mới đưa bệnh nhân đến bệnh viện để hỗ trợ tích cực.

Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, sau hơn 2 tháng thực hiện, mô hình xe cấp cứu cơ động 2 bánh đã được Hội đồng Khoa học công nghệ của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thẩm định và góp ý kế hoạch triển khai. Hội đồng nhất trí với đề xuất của bệnh viện là chọn loại xe tay ga có động cơ 100-125 phân khối vừa chi phí thấp vừa giúp cho y, bác sĩ dễ dàng vận hành, nhất là nhân viên nữ. Xe 2 bánh phục vụ cứu thương sẽ được trang bị túi thuốc, dụng cụ cấp cứu...

Khi có trường hợp cần hỗ trợ y tế khẩn cấp nhưng người bệnh ở khu vực hẻm sâu hoặc vào những khung giờ cao điểm... thì người nhà bệnh nhân có thể liên hệ với bệnh viện. Lúc này, các nhân viên y tế sẽ sử dụng xe gắn máy 2 bánh để tiếp cận, xử lý cấp cứu ban đầu cho người bệnh. Nếu trường hợp bệnh nặng, xe cứu thương chuyên dụng 4 bánh sẽ được điều động để phối hợp chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

Nói về mô hình này, bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho biết, xuất phát từ thực tế đội ngũ cấp cứu ngoại viện 115 tiếp cận người bệnh khó khăn do giao thông không thuận tiện, đường sá nhỏ hẹp nên bệnh viện đã đề xuất với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh được thí điểm cấp cứu ngoại viện bằng xe 2 bánh. Mục đích là để nhân viên cấp cứu có thể tiếp cận bệnh nhân một cách nhanh nhất, sơ, cấp cứu kịp thời, bảo đảm thời gian "vàng" trong cấp cứu.

Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, mô hình cấp cứu cơ động 2 bánh của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn là đề tài sáng tạo khoa học nhằm đáp ứng yêu cầu cấp cứu người dân trên địa bàn quận 1, nơi đông dân cư, nhiều khách du lịch... Sở Y tế đã thông qua dự thảo quy trình sử dụng xe cấp cứu 2 bánh được vận hành thí điểm để rút kinh nghiệm và hoàn thiện. Sau đó, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn sẽ trình lại quy trình chính thức để Sở ban hành.

Đặc biệt, Sở Y tế lưu ý việc luôn giữ mối liên lạc giữa nhân viên y tế đi cấp cứu với bệnh viện và sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhóm đi cấp cứu bằng xe 2 bánh với nhóm thường trực xe ô tô cứu thương; khi có yêu cầu cần chuyển bệnh nhân về bệnh viện thì xe ô tô cứu thương sẽ kịp thời tiếp cận. Tiếp đó, nếu thành công thì mô hình này sẽ triển khai tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp cứu bằng xe 2 bánh: Nên nhân rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.