Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chuyên nghiệp hóa” lực lượng an ninh hàng không

Tuấn Khải| 30/11/2018 07:17

(HNM) - Vụ 3 đối tượng có hành vi côn đồ, tấn công nhân viên hàng không tại Sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) mới đây đã gây bức xúc trong dư luận.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt vi phạm theo hướng tăng nặng, thì ngành hàng không cần sớm “chuyên nghiệp hóa” lực lượng an ninh hàng không.

Lực lượng an ninh hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thực hiện hoạt động nghiệp vụ. Ảnh: Tuấn Lương


Gia tăng các vụ gây rối

Vụ việc tại Sân bay Thọ Xuân, ngày 23-11 (Báo Hànộimới đã đưa tin) là vụ việc mới nhất xảy ra tại các cảng hàng không, sân bay. Thời gian qua đã từng có một số vụ việc gây rối, lăng mạ và tấn công nhân viên sân bay. Vào ngày 20-9-2018, tại Sân bay Nội Bài, bà V.T.T.T (trú ở Ba Đình, Hà Nội) trong quá trình làm thủ tục chuyến bay BL813 từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh cũng đã to tiếng lăng mạ nhân viên Hãng Hàng không Jetstar Pacific. Nguyên nhân là nhân viên hãng hàng không phát hiện bà mang 2 kiện hành lý xách tay có trọng lượng lên đến 18kg, trong khi theo quy định mỗi hành khách chỉ được mang 7kg hành lý xách tay và đề nghị vị khách này mua thêm cước.

Trước đó, vào ngày 3-6-2018, ông P.H.C (quê ở Thái Nguyên) đến quầy làm thủ tục của Hãng Hàng không Vietjet tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ông này đã được một nữ nhân viên thông báo chuyến bay bị hủy và phải chuyển sang sáng hôm sau. Quá bức xúc nên ông Cường đã ném điện thoại di động của mình vào mặt nữ nhân viên này, khiến cô bị rách mí mắt trái, chảy máu.

Ngay sau khi xảy ra các vụ việc nói trên, Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị cảng vụ hàng không đã ban hành các quyết định xử phạt đối tượng vi phạm với các mức phạt khác nhau. Ngoài phạt tiền, có trường hợp còn bị áp dụng hình thức cấm bay có thời hạn. Riêng vụ việc xảy ra tại Sân bay Thọ Xuân, xét thấy đây là vụ việc mang tính chất rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, uy hiếp an ninh hàng không..., nên Bộ Giao thông - Vận tải đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, có biện pháp thích đáng đối với những đối tượng có hành vi côn đồ trong vụ việc. Trên cơ sở đó, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Phía Cục Hàng không Việt Nam cũng ban hành quyết định cấm bay 12 tháng với 3 đối tượng có hành vi côn đồ.

Cần chuyên nghiệp hóa

Trở lại với vụ việc tấn công nhân viên hàng không tại Sân bay Thọ Xuân ngày 23-11, không chỉ bức xúc với hành vi của 3 đối tượng côn đồ, dư luận còn bức xúc trước cách phản ứng quá chậm của đội ngũ nhân viên an ninh hàng không nơi đây. Theo hình ảnh camera ghi lại, vào thời điểm xảy ra sự việc, tại hiện trường có mặt một số nhân viên an ninh hàng không mặc đồng phục. Tuy nhiên, những người này chưa có hành động kịp thời để ngăn chặn. Phải một lúc sau, một số nhân viên an ninh khác mới lao tới khống chế các đối tượng...

Thừa nhận lực lượng an ninh tại Sân bay Thọ Xuân đã phản ứng chậm trong tình huống tấn công nhân viên hàng không, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, có nguyên nhân bởi lực lượng an ninh hàng không hiện nay chưa phải là lực lượng thực thi công vụ đúng nghĩa. Do đó, Cục sẽ làm việc lại với lực lượng an ninh hàng không Sân bay Thọ Xuân và các sân bay trên cả nước để làm rõ và có phương án chấn chỉnh.

Theo ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc, qua xem video, ở giây thứ 30 lực lượng cơ động sân bay đã có mặt trấn áp đối tượng, đây là lực lượng chuyên trách. Còn qua đồng phục, những nhân viên áo trắng có mặt tại chỗ chỉ là lực lượng an ninh soi chiếu. Ở sân bay có nhiều lực lượng an ninh, như lực lượng cơ động, trật tự nhà ga và soi chiếu an ninh... Tuy vậy, những lực lượng này cũng chỉ là dân sự của doanh nghiệp, dù có công cụ hỗ trợ, nhưng không phải lực lượng vũ trang... Các bộ phận liên quan đang báo cáo, phân tích, và sẽ có bình giảng để rút kinh nghiệm.

Cũng có ý kiến cho rằng, trong không ít vụ việc gây rối tại các cảng hàng không, sân bay, nguyên nhân khiến các vụ việc thêm căng thẳng là do nhân viên hàng không xử lý chưa khéo léo, chuẩn mực cho dù bản chất lỗi xuất phát từ phía hành khách. Điều này đòi hỏi ngành hàng không cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng phục vụ. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế tài theo hướng tăng nặng nhằm bảo đảm an ninh hàng không.

Về vấn đề lực lượng chức năng lúng túng trong một số tình huống, cần phải nhìn nhận một thực tế là lực lượng an ninh hàng không hiện nay trực thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (đơn vị khai thác 21 cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc) nên chưa phải là lực lượng thực thi công vụ. Dù đã từng bước được “chuẩn hóa”, song lực lượng kiểm soát an ninh hàng không tại các cảng hàng không hiện nay quân số mỏng, đặc biệt là tại các cảng hàng không cấp 2, 3 chất lượng chưa đồng đều trong toàn hệ thống...

Sớm nghiên cứu thành lập một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không, xử lý các vi phạm và đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng đang là yêu cầu bức thiết. Trước mắt có thể thành lập Công ty An ninh hàng không trực thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (như đề án đã được trình lên Bộ Giao thông - Vận tải), song về lâu dài cần tách lực lượng kiểm soát an ninh với đơn vị khai thác cảng hiện nay để tổ chức lực lượng an ninh hàng không độc lập, thống nhất và chuyên nghiệp, từ đó giúp việc xử lý tình huống, bảo đảm an ninh sẽ kịp thời và hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Chuyên nghiệp hóa” lực lượng an ninh hàng không

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.