Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người lao động chưa biết bảo vệ mình

Hà Phong| 15/12/2018 07:58

(HNM) - Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, từ ngày 1-1-2018, người lao động được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc, có ký hợp đồng lao động với thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Hiểu biết của người lao động về bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế, dẫn đến việc chưa biết tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.


Trước kia, theo quy định của pháp luật lao động, người lao động ký hợp đồng lao động thời vụ có thời hạn dưới 3 tháng lần đầu không bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (chỉ tham gia bảo hiểm thất nghiệp). Theo đánh giá của các chuyên gia, việc quy định đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho lao động ký hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng sẽ bảo đảm quyền lợi chính đáng của họ. Đồng thời, tiến tới chấm dứt tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lách luật, không bảo đảm chế độ về bảo hiểm xã hội với người lao động.

Tuy nhiên, tại hội thảo “Những khó khăn của nhà thầu về quy định mới trong hợp đồng lao động chính thức và thời vụ” do Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam tổ chức mới đây, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, hầu hết người lao động làm thời vụ có tâm lý muốn nhận nguyên lương, không muốn trừ chi phí đóng bảo hiểm xã hội. Chính vì vậy, nhiều công ty gặp không ít khó khăn khi tuyển dụng lao động. Bởi, nếu muốn tuyển được người lao động thì phải làm trái quy định, còn làm đúng quy định thì khó tuyển được lao động.

Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 14 cho biết, mỗi năm, công ty đón tiếp khoảng 4-5 đoàn thanh tra và lần nào cũng vướng về vấn đề lao động. Trong khi đó, chính người lao động không muốn ký kết hợp đồng chứ không phải công ty muốn lách luật. Do nhiều người vốn là nông dân tranh thủ những ngày nông nhàn lên thành phố làm công nhân xây dựng, hết 2 tháng nông nhàn, họ lại trở về với đồng ruộng, mà 2 tháng thì trợ cấp chỉ được 800 nghìn đồng trong khi thủ tục lại rất rườm rà.

Tại Hà Nội, bên cạnh việc người lao động chưa biết bảo vệ mình thì có không ít doanh nghiệp lách luật bằng cách tuyển người lao động làm việc theo hợp đồng giao khoán, hợp đồng khoán việc, hợp đồng không đóng dấu của doanh nghiệp để trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, nhiều lao động đang làm nhân viên vệ sinh tại một số tòa nhà chung cư trên địa bàn hai phường Trung Hòa, Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, họ vẫn được chấm công, chi trả lương nhưng không có hợp đồng hoặc có hợp đồng nhưng chỉ là dạng thỏa ước lao động giữa hai bên. Doanh nghiệp ký hợp đồng với người lao động chỉ có chữ ký của người được công ty ủy quyền quản lý nhân viên nhưng không đóng dấu của công ty. Như vậy, doanh nghiệp không phải đóng nộp bảo hiểm cho người lao động và thực hiện các nghĩa vụ liên quan.

Luật gia Lê Quang Vững cho rằng, cần tăng cường thanh kiểm tra, làm rõ khái niệm về khoán việc cũng như thuê khoán… vốn chưa được quy định cụ thể trong Bộ luật Lao động nhưng đã tồn tại trong thực tế từ nhiều năm qua. Theo ông Lê Quang Vững, đa số công nhân thời vụ không phải đoàn viên công đoàn, lại chưa có ý thức tự bảo vệ mình. Giấy tờ tùy thân của lao động thời vụ khi đi xin việc thường chỉ có chứng minh nhân dân/căn cước công dân. Điều này khiến việc làm thủ tục tham gia bảo hiểm cũng gặp không ít khó khăn. Khi có sự cố xảy ra, các ngành chức năng khó can thiệp.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người lao động biết quyền và nghĩa vụ của mình, cải cách hành chính về thủ tục tham gia bảo hiểm, hưởng trợ cấp hơn nữa. Bởi hợp đồng lao động là cơ sở pháp lý cho việc người lao động sẽ được trả lương, tăng lương, làm việc trong môi trường an toàn, tham gia bảo hiểm xã hội; được bảo đảm quyền lợi khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc không may bị ốm đau, tai nạn lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người lao động chưa biết bảo vệ mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.