Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức bật mới trong thực hiện nhiệm vụ chính trị

Võ Lâm| 29/08/2017 07:48

(HNM) - Hà Nội luôn coi trọng và có những giải pháp nhằm tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Điều này vừa thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vừa tạo nên sức bật mới trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trật tự vỉa hè, lòng đường đã có thay đổi tích cực. Trong ảnh: Kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh tại thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa).


Coi trọng, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Chưa khi nào, vai trò và trách nhiệm người đứng đầu được đề cập thường xuyên, cụ thể trong các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền TP Hà Nội như hiện nay.

Mới đây nhất, trong thông báo chỉ đạo về phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nêu rõ: “Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn”. Đây là chỉ đạo rất quan trọng, nhất là giữa lúc tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến rất phức tạp hiện nay.

Trước đó, nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 08-CT/TU, trong đó nhấn mạnh: “Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, kịp thời xem xét kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, nhất là các vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, gây bức xúc trong nhân dân, đi đôi với xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật Bí thư, Chủ tịch UBND, Trưởng Công an, Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn. Trường hợp để vi phạm kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ xem xét xử lý cán bộ quản lý ở cấp cao hơn”.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, trong điều hành, quản lý, UBND thành phố, Ban chỉ đạo 197 thành phố đã cụ thể hóa theo tinh thần đó. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã nhấn mạnh với Chủ tịch UBND các phường, Trưởng Công an các quận, huyện, phường về trách nhiệm cá nhân đối với công tác bảo đảm trật tự đô thị: “Năm nay là “Năm kỷ cương hành chính”, nếu các đồng chí không tổ chức triển khai một cách nghiêm túc, nếu không có hiệu quả, không kiên trì để tái chiếm... thì các đoàn kiểm tra công vụ của thành phố mà kiểm tra đến lần thứ ba là phải xem xét vấn đề trách nhiệm... sẽ phải “nhấc” một vài đồng chí đi”.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, không ít trường hợp người đứng đầu cơ quan cấp phường, thậm chí cơ quan cấp quận đã bị thuyên chuyển công tác vì không thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn.

Một lĩnh vực “nóng” trên địa bàn thành phố có bước chuyển vượt bậc trong vòng 1 năm trở lại đây là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn nhớ tháng 9-2016, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 09-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu gắn liền với đất trên địa bàn Hà Nội”.

Trong đó nêu rõ: "Địa phương, đơn vị nào không hoàn thành kế hoạch cấp giấy chứng nhận được cấp có thẩm quyền giao thì cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là đồng chí Bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên”. Chỉ thị đã tạo nên động lực mới, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu gắn liền với đất trên địa bàn thành phố đã chuyển biến cả về số lượng và chất lượng.

Tiếp tục phát huy hiệu quả

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã đề cập sâu về vấn đề vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Nghị quyết chỉ rõ: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”.

Trong 4 nhóm giải pháp được đề ra trong Nghị quyết, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu được đề cập rõ ràng, cụ thể. Theo đó, hằng năm, người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên có cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cấp phải xây dựng kế hoạch, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát, khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân...

Có thể thấy, Đảng bộ TP Hà Nội đã thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu trên. Nhằm tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết, tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, vừa qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”. Quy chế có ý nghĩa ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục bệnh quan liêu, xa dân, hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Với hướng đi đúng đắn, Hà Nội đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu không chỉ nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế tại ngành, cơ quan, đơn vị mà còn phát huy thế mạnh của đội ngũ này, trở thành nguồn động lực quan trọng tạo nên sức bật mới trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức bật mới trong thực hiện nhiệm vụ chính trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.