Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội vàng cho Viettel

Việt Nga| 25/04/2016 10:09

Cuối tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Viettel được Chính phủ Myanmar chấp thuận tham gia liên doanh cho giấy phép thứ 4 - cũng là giấy phép kinh doanh viễn thông cuối cùng tại nước này.

Tập đoàn Viettel tiếp tục thành công tại thị trường Myanmar.


Được biết, từ năm 2006 Viettel đã có mong muốn đầu tư vào Myanmar, song ở thời điểm đó, nước này chưa mở cửa thị trường viễn thông và các doanh nghiệp nhà nước giữ thế độc quyền. Đến giai đoạn 2011-2012, cùng với việc mở cửa nền kinh tế, Myanmar mở cửa với thị trường viễn thông bằng cách tổ chức đấu thầu giấy phép cung cấp dịch vụ. Trong đợt đấu thầu giấy phép kinh doanh viễn thông tổ chức năm 2013, Viettel đã bị loại trước các đối thủ rất mạnh là Telenor (Na Uy), Qatar Telecom (Qatar). Hiện cả Telenor, Qatar Telecom không phải là nhà mạng có nhiều thuê bao, thậm chí lượng thuê bao còn kém xa so với Công ty MPT do Chính phủ Myanmar lập ra.

"Tuy nhiên, chúng tôi cũng tìm hiểu và được biết, Chính phủ nước bạn sẽ thực hiện cấp giấy phép liên doanh cho một nhà mạng nước ngoài với đối tác trong nước để khai thác giấy phép thứ 4 kinh doanh viễn thông, nên sau đó Viettel tiếp tục bám sát và chuẩn bị kỹ hơn cho "bài thi" này. Cuối cùng, Viettel đã được chọn lựa" - ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết. Trong "bài thi" trúng thầu, ngoài cam kết cùng đối tác đầu tư 1,5 tỷ USD xây dựng mạng lưới phủ 95% dân số, liên doanh còn cam kết thực hiện một số chương trình xã hội với người dân tại đây, trong đó có việc thực hiện miễn phí internet trường học tại nước bạn.

Lý giải cho quyết tâm có được giấy phép kinh doanh viễn thông tại Myanmar, ông Lê Đăng Dũng cho biết thêm, bên cạnh quan hệ ngoại giao hợp tác tốt đẹp giữa hai đất nước được duy trì trước đây, thị trường Myanmar được đánh giá là rất hấp dẫn. Đó là đất nước này đã, đang mở cửa nên việc chi tiêu cho viễn thông cũng tăng theo và đây là cơ hội kinh doanh tốt cho các nhà mạng. Mặt khác, dù đã có các đối thủ rất mạnh chiếm lĩnh thị trường, song với lĩnh vực viễn thông lại có đặc thù, đó là nhiều người có nhu cầu sử dụng nhiều hơn một chiếc sim di động và bài toán đặt ra cho các nhà mạng như Viettel là phải cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Thêm nữa, tại Myanmar, trong lĩnh vực viễn thông đã có riêng một công ty chuyên đầu tư phát triển hạ tầng độc lập để các nhà mạng có thể thuê lại, từ đó có thể tiết kiệm được vốn đầu tư ban đầu, đồng thời có thể triển khai cung cấp dịch vụ nhanh chóng, thuận lợi. Một yếu tố không thể không nhắc đến đó là tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại đây đã lên tới 60% (Việt Nam khoảng 35%). Đó là những lợi thế của Viettel trong việc bảo vệ phương án kinh doanh, cũng như trong việc tìm cơ hội khai thác thị trường này.

Nói như vậy không có nghĩa đó chỉ toàn là thuận lợi, vì hết năm 2015 tỷ lệ thâm nhập các dịch vụ viễn thông tại Myanmar đã lên tới 75% dân số, giá cước (gọi và dữ liệu) rẻ tương đương với Việt Nam. Đây là thách thức không nhỏ với Viettel, song ông Lê Đăng Dũng chia sẻ, với kinh nghiệm từ việc kinh doanh tại thị trường trong nước và nước ngoài từ nhiều năm qua, cộng với chiến lược đầu tư dài hạn thông qua vùng phủ rộng toàn quốc, cũng như cách kinh doanh phù hợp với từng địa phương, Viettel hy vọng sẽ tiếp tục thành công tại thị trường Myanmar. Cụ thể, vào tháng 6-2016, Viettel sẽ xây dựng mạng lưới dựa trên công nghệ 3G, đồng thời sẽ triển khai 4G nếu Chính phủ nước bạn cấp phép (dự kiến vào cuối năm 2016). "Mục tiêu của Viettel đặt ra là sau 2 năm kể từ khi nhận giấy phép kinh doanh, chúng tôi sẽ đạt 5-7 triệu thuê bao, lọt vào nhóm 3 nhà mạng lớn tại Myanmar" - ông Lê Đăng Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội vàng cho Viettel

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.