Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đắk Nông – Mùa bơ chín” năm 2018: Gợi mở nhiều cơ hội đầu tư

Hoàng Lan| 21/06/2018 15:22

Với mục tiêu đưa trái


Đắk Nông - tiềm năng còn bỏ ngỏ

Tỉnh Đắk Nông nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, giáp các tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước, Lâm Đồng và có vị trí gần với hai TP Đà Lạt, Phan Thiết. Đặc biệt, Đắk Nông có hơn 130 km đường biên giới và hai cửa khẩu với Campuchia.

Vị trí địa lý này đã tạo thuận lợi cho Đắk Nông mở rộng giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh Tây Nguyên, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, duyên hải miền Trung và Campuchia.


Nằm ở độ cao trung bình 600 - 800m so với mực nước biển, địa hình tỉnh Đắk Nông đa dạng và phong phú, có sự xen kẽ giữa các địa hình thung lũng, cao nguyên và núi cao, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên độc đáo với thắng cảnh hùng vĩ như: thác Đắk G’lun, Đắk Buk So, Đray Sáp, Gia Long và các Khu bảo tồn thiên nhiên như: Nâm Nung rộng hơn 21.860 ha; Vườn Quốc gia Tà Đùng… Đắk Nông đang sở hữu quần thể du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, kết hợp với du lịch sông nước.

Ngoài ra, Đắk Nông còn có hệ thống hang động núi lửa lớn nhất khu vực Đông Nam Á với chiều dài hơn 25km, với nhiều hang động lớn nhỏ khác nhau, là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch của tỉnh.

Đặc biệt, Đắk Nông còn có nguồn khoáng sản phong phú với trữ lượng lớn, đặc biệt là bô xít, với trữ lượng quy hoạch 5,4 tỷ tấn quặng thô. Hiện nay, tỉnh có Nhà máy Alumin Nhân Cơ với công suất 650.000 tấn/năm; Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông đang được xây dựng tại Khu công nghiệp Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp sắp đi vào vận hành sẽ tạo quy trình khép kín chuỗi công nghiệp khai thác bôxít - chế biến alumin - sản xuất nhôm thỏi, có tác dụng hỗ trợ tích cực cho hiệu quả kinh tế và sẽ kéo theo phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất hỗ trợ sau nhôm và một số ngành dịch vụ đi kèm.

Một trong những thế mạnh của tỉnh Đắk Nông là có diện tích đất nông nghiệp lớn chiếm khoảng 90% đất tự nhiên. Các loại đất của Đắk Nông khá phong phú và đa dạng, nhưng chủ yếu đất đỏ bazan, phân bố ở các huyện Đắk Mil, Tuy Đức, Đắk Song.

Đất bazan phân bố trên địa hình đồi, núi cao, xen giữa thung lũng sâu và bình nguyên cùng nguồn nước dồi dào từ hệ thống sông, hồ, đập phân bố trên địa bàn tỉnh là những ưu thế chính tạo thuận lợi cho tỉnh phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, tạo nên các dòng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, được thị trường ưa chuộng như cà phê, cao su, hồ tiêu, khoai lang, rau, hoa và đậu các loại... đặc biệt là trái bơ.

Những thế mạnh của Đắk Nông đã và sẽ mở ra những cơ hội đầu tư kinh doanh lớn. UBND tỉnh Đắk Nông sẵn sàng xây dựng những cơ chế ưu đãi hấp dẫn nhằm mời gọi những nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư vào tỉnh nhà.

Bơ sáp Đắk Nông - những lợi thế tiềm năng

Là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước, Đắk Nông hiện có gần 2.600 ha trồng bơ, chiếm khoảng 20% tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, chủ yếu tập trung nhiều ở các huyện: Đắk Mil, Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa.

Theo các chuyên gia, cây bơ dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc chỉ bằng 1/3 các loại cây lâu năm khác, mỗi hecta sẽ cho thu hoạch từ 300-500 triệu đồng/năm. Hiện nay, trên thị trường nhiều giống bơ cho quả ngon, chất lượng, năng suất cao được nông dân trồng nhiều như: bơ Cu Ba, bơ 034, bơ Booth, bơ Hass, bơ sáp…

Với đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng ưu đãi hơn so với các tỉnh lân cận, Đắk Nông trồng được nhiều giống bơ cho trái quanh năm. Bơ Đắk Nông đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng bởi trái to, dẻo, mẫu mã đẹp, chín kéo dài hơn so với bơ các địa phương khác. Bơ Đắk Nông có giá trị dinh dưỡng cao, giàu năng lượng, chứa khoảng 25 loại vitamin và khoáng chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe, được xem là một loại quả “siêu thực phẩm” ít nơi nào có được.


Với mục đích quảng bá sản phẩm "Bơ Đắk Nông" đến người tiêu dùng, khẳng định vị thế bơ Đắk Nông nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng bơ Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới; tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp thu mua, chế biến và các kênh tiêu thụ sản phẩm bơ trong và ngoài nước; tìm kiếm và tuyển chọn những cây giống Bơ ngon, chất lượng, năng suất cao… tỉnh Đắk Nông đã khởi động nhiều hoạt động ý nghĩa.

Vào tháng 3-2018, tại chuyến thăm New Zealand, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển quả bơ tỉnh Đắk Nông với các bên gồm Cơ quan hợp tác Chính phủ New Zealand, Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm, Công ty cổ phần SAM nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức Chương trình “Đắk Nông - Mùa bơ chín” năm 2018 gồm 5 sự kiện chính: Lễ khai mạc được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Nông và tiếp sóng trực tiếp các Đài Truyền hình Đắk Nông Tây Nguyên và một số địa phương phát triển cây Bơ; hội thảo phát triển bơ bền vững; hội chợ thương mại kết nối cung cầu bơ và các sản phẩm nông nghiệp; hội thi trái bơ ngon và tham quan, trải nghiệm các mô hình nông nghiệp, Lễ mừng được mùa và chương trình Bế mạc tổng kết, diễn ra từ ngày 18 đến 23-7-2018.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết: “Thông qua chương trình ký kết, đối tác sẽ hỗ trợ nguồn kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng để nghiên cứu, lựa chọn, đầu tư phát triển cây bơ tại tỉnh Đắk Nông. Với dự án này, nông dân sẽ có cơ hội được tiếp cận nguồn giống bơ chất lượng, mang lại năng suất và hiệu quả sản xuất cao”.

Với chiến lược khoa học, khả năng nắm bắt cơ hội cùng sự nỗ lực của địa phương, thời gian tới, cây bơ Đắk Nông hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên cả thị trường trong và ngoài nước

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Đắk Nông – Mùa bơ chín” năm 2018: Gợi mở nhiều cơ hội đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.