Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm ùn tắc và tai nạn giao thông tại Thủ đô: Cần giải pháp tổng thể

Tuấn Lương| 27/01/2014 06:54

(HNM) - 2013 là năm mà ngành GTVT Hà Nội đã ghi được nhiều dấu ấn. Đáng kể nhất là tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông đã từng bước được kiềm chế.



Có được kết quả này là do Hà Nội đã quyết liệt triển khai và hoàn thành hàng loạt dự án, công trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đồng thời có phương án tổ chức giao thông khoa học. Đây cũng chính là những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành GTVT tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2014 nhằm góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Nhiều công trình hạ tầng được triển khai đã góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng


Thống kê mới nhất của liên ngành GTVT - Công an thành phố cho thấy, tính đến cuối năm 2013, trên địa bàn Hà Nội còn 55 điểm đen ùn tắc giao thông, giảm 69 điểm so với năm trước. Thời gian ùn tắc cũng giảm đáng kể, không còn những điểm ùn tắc trên 30 phút như trước đây. TNGT cũng giảm trên cả 3 tiêu chí. Trong năm qua, toàn thành phố xảy ra 2.252 vụ TNGT (giảm 217 vụ, bằng 8,8% so với năm 2012), làm chết 323 người (giảm 37 người, bằng 5,58%) và bị thương 2.008 người (giảm 91 người, bằng 4,2%).

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng tạo nên thành quả này là việc thành phố đã hoàn thành và đưa vào khai thác hàng loạt công trình giao thông trọng điểm. Cụ thể là cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, cầu vượt nút giao Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, cầu Yến Vĩ, cầu Giẽ, đường Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng, cầu vượt cho người đi bộ tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long...

Tập trung đầu tư các công trình hạ tầng giao thông khung tiếp tục được UBND TP Hà Nội và Sở GTVT xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, năm nay Sở sẽ tập trung triển khai các công trình giao thông trọng điểm được UBND TP Hà Nội phê duyệt như: Hợp phần đường Vành đai 2, tuyến buýt nhanh BRT, các tuyến đường sắt đô thị...; xây dựng các cầu trong nhóm 34 cầu yếu vượt sông gồm: Cầu Hậu Xá, cầu Ba Thá, cầu Ngọc Hồi, cầu Thuần Lương, cầu Từ Châu, cầu Yên Trình, cầu Zét...; xây dựng mới 15 cầu vượt đi bộ tại những điểm giao thông phức tạp. Cùng với đó, thành phố sẽ tích cực phối hợp với Bộ GTVT và các nhà đầu tư triển khai dự án cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, đường 5 kéo dài, cầu Đông Trù... Trước Tết Nguyên đán 2014, thành phố hoàn thành và tổ chức thông xe hạng mục cầu Đào Tấn (dọc đường Bưởi qua nút giao thông Đào Tấn); thông xe đường Vành đai 2 đoạn tuyến từ Nhật Tân đi Xuân Đỉnh; thông xe cầu Từ Châu (huyện Thanh Oai)…

Cùng với đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khung, Hà Nội tiếp tục rà soát các điểm, nút giao thông có nguy cơ ùn tắc, các điểm đen về TNGT để có giải pháp tổ chức giao thông phù hợp, từng bước kiềm chế và kéo giảm sâu hơn nữa tình trạng ùn tắc và TNGT. Theo đó, thành phố sẽ triển khai các giải pháp tổ chức giao thông mang tính tổng thể như: Tăng cường năng lực lưu thông trên các tuyến đường kết hợp xử lý xung đột tại các nút giao; triển khai dự án nâng cấp trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông; lắp đặt hệ thống camera theo dõi tại các nút giao thông; tổ chức các cặp đường giao thông một chiều…

Trong công tác bảo đảm ATGT, Sở GTVT đã phối hợp với Công an TP Hà Nội triển khai phương án tổ chức giao thông, lắp đặt, tu sửa hệ thống đèn tín hiệu, kết hợp với cải tạo hạ tầng các tuyến đường tại các nút trọng điểm như: Quán Thánh - Hùng Vương, Nguyễn Trãi - đường bờ sông Tô Lịch, Trần Duy Hưng - Láng...; duy tu sửa chữa và lắp mới hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao quan trọng như nút Trần Thái Tông - Dương Đình Nghệ, nút Nguyễn Xiển - Kim Giang (cầu Dậu), nút Pháp Vân - quốc lộ 1B; rà soát và thay thế 10 bộ trụ composit, 62 bộ mũi tên phản quang, điều chỉnh và lắp đặt 43 bộ cột biển phân làn...; hoàn thành công tác cải tạo, bổ sung các biện pháp bảo đảm an toàn tại 14 điểm đường ngang dân sinh (chủ yếu trên địa bàn huyện Thường Tín và Phú Xuyên); tháo dỡ và thu hồi 64 cột điện thoại không sử dụng, 220 thùng rác công cộng và 1.083 trạm cardphone...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm ùn tắc và tai nạn giao thông tại Thủ đô: Cần giải pháp tổng thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.