Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ thanh tra, hạn chế tiêu cực trong xử lý xe quá khổ, quá tải

Tuấn Lương| 18/04/2014 06:42

(HNM) - Không đất nước nào buông lỏng quản lý vận tải như ở Việt Nam. Do vậy, cần khẩn trương hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật liên quan nhằm siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải; không chỉ xử lý lái xe mà phải xử nghiêm cả chủ doanh nghiệp; đồng thời tăng cường thanh tra ngay chính lực lượng chức năng nhằm hạn chế tiêu cực…


Doanh nghiệp tạm dừng hoạt động để… nghe ngóng

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, từ ngày 1-4, cả nước đồng loạt ra quân KSTTX trên các tuyến quốc lộ (QL). Ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, qua 15 ngày ra quân, đã có 52/63 địa phương chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT tổ chức KSTTX bằng bộ cân lưu động và cân xách tay. Đáng chú ý, có 17 địa phương tích cực triển khai, duy trì hoạt động của các trạm KSTTX lưu động 24/24h trong cả 7 ngày trong tuần. Trong đó, Hà Nội được đánh giá là 1/7 địa phương có sự vào cuộc quyết liệt nhằm bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm ATGT.

Kiểm tra xe quá tải, quá khổ tại Phú Thọ.


Trong nửa tháng, cả nước đã kiểm tra 10.979 xe, trong đó có 2.132 (bằng 19,4%) xe vi phạm. Kết quả thống kê cho thấy, số xe phải cân kiểm tra và số xe vi phạm giảm, tình hình xe quá tải hoạt động giảm nhiều tại những địa phương triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, cả nước vẫn còn 11 địa phương chưa đưa bộ cân lưu động được cấp vào hoạt động, như Quảng Ninh, Quảng Nam, Đắk Nông, Đắk Lắc, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kiên Giang… Một số địa phương chỉ triển khai KSTTX trên hệ thống đường bộ địa phương hoặc trên QL ủy thác có lưu lượng xe quá tải thấp mà chưa quyết liệt trên các tuyến QL trọng điểm như: QL1, QL5, QL18, QL70… Đặc biệt, trên tuyến QL1 lưu lượng xe quá tải lớn nhưng hiện nay mới chỉ có 15/30 địa phương dọc tuyến tổ chức KSTTX. Tại nhiều tuyến QL khác, một số địa phương chưa đưa trạm KSTTX vào hoạt động liên tục, do đó xuất hiện tình trạng xe quá tải dừng đỗ ở hai phía trạm có nơi lên đến hàng trăm xe ở mỗi phía. Khi trạm nghỉ thì các xe quá tải ồ ạt chạy gây mất ATGT và ùn tắc giao thông, như ở Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế…

Không chỉ vậy, qua nửa tháng triển khai đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp vận tải, chủ xe tạm dừng hoạt động để theo dõi tình hình của lực lượng chức năng. Bên cạnh đó có tình trạng nhà xe phá hợp đồng vận chuyển đã ký trước để ép chủ hàng tăng giá cước. Một số xe vẫn cố tình chở quá tải và tìm cách trốn tránh không qua trạm KSTTX…

Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo sửa đổi chế tài xử phạt hành vi chở quá tải theo hướng không hạ tải mà nộp số tiền phí chở quá tải theo cấp số nhân để các đối tượng không dám vi phạm lần 2; bổ sung chế tài phạt "nguội" căn cứ kết quả kiểm tra TTX bằng cân có tốc độ cao.

Cước vận chuyển phụ thuộc vào chi phí "làm luật"?

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng xe chở quá tải đã trở thành "quốc nạn" ở nước ta, nếu không kịp thời ngăn chặn và giải quyết triệt để, cái giá phải trả sẽ rất đắt. Ông Bùi Danh Tú - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Yên Bái cho biết, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng địa phương phát hiện có những xe trọng tải chỉ 9 tấn nhưng chở đến 110 tấn. Xử lý vấn đề này không đơn giản, bởi lực lượng quá mỏng. Để một trạm cân lưu động hoạt động 24/24h cần tối thiểu 25 cán bộ liên ngành nhưng tại Yên Bái số lượng thanh tra GTVT tham gia kiểm tra TTX là 12 cán bộ.

Một số doanh nghiệp thắc mắc, không thể nói không có tiêu cực tại một số trạm, một số tuyến và đây là một trong những lý do dẫn đến tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn chưa thể loại bỏ. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính không muốn chở quá tải, nhưng nếu không làm thế sẽ khó cạnh tranh. Cước vận chuyển tăng hay giảm không phụ thuộc nhiều vào giá xăng dầu, mà chủ yếu vào hoạt động của các trạm KSTTX trên đường chặt chẽ hay buông lỏng. Nói cách khác là phụ thuộc vào chi phí "làm luật". Để không vi phạm, lái xe chỉ còn biết yêu cầu chủ hàng tăng cước vận tải.

"Khâu quản lý công tác kiểm tra, KSTTX đã bị buông lỏng trong thời gian rất dài, trong khi chính sách liên quan đến vấn đề này đang bị "hổng". Chỉ kiểm tra, xử phạt thì cũng chỉ giải quyết được phần "ngọn" mà không triệt để được "cái gốc" của vấn đề" - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh. Do đó, Bộ GTVT sẽ khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tăng nặng chế tài theo hướng không chỉ xử lý lái xe mà tập trung xử lý chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Văn bản quy phạm phải minh bạch rõ ràng, không chấp nhận chỉ cơ quan nhà nước hiểu mà dân không hiểu về những điểm người dân chưa rõ thì lực lượng chức năng phải hướng dẫn chứ không nên áp đặt để xử phạt. Nếu chưa chấn chỉnh được lỗi từ phía cơ quan nhà nước thì chưa thể phạt người dân, doanh nghiệp. Lực lượng chức năng làm nghiêm thì vi phạm sẽ giảm nhiều. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ tăng cường thanh tra chính lực lượng thi hành công vụ để chống tiêu cực; kiểm soát chặt ngay từ nguồn hàng, kho bãi nhằm hạn chế xe quá tải ra đường…

Với những kiến nghị về chấn chỉnh xe hoán cải, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam phải nghiêm túc thực hiện. Không thể có chuyện dân biết, báo chí biết mà cơ quan đăng kiểm không biết. Bộ GTVT sẽ đề nghị Chính phủ chấm dứt việc hoán cải xe và với các xe đã hoán cải thì sẽ có lộ trình để xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ thanh tra, hạn chế tiêu cực trong xử lý xe quá khổ, quá tải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.