Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ hết giải pháp tình thế?

Bài, ảnh: Thiện Mỹ| 26/07/2014 08:25

(HNM) - Một loạt quán bia, hàng ăn, cà phê… ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng trong suốt một thời gian dài. Vì sao tồn tại này không được giải quyết triệt để cho dù chính quyền phường Thành Công (quận Ba Đình) đã nhiều lần ra quân xử lý?

Cà phê Hoa Giấy dùng cây cảnh quây vỉa hè thành “lãnh thổ” riêng để kinh doanh.



Nếu không phải cư dân quen thuộc của nhà tập thể G22, G23, nhiều người đến đây không biết phải để xe ở đâu vì không gian vỉa hè gần như đã thuộc về các quán bia. Đặc biệt, vào giờ cao điểm buổi trưa và chiều tối, chủ quán bày bàn ghế tràn lan, chiếm dụng cả đường nội bộ của nhà tập thể và vỉa hè. Cư dân nhà G22 cho biết: "Những gia đình có điều kiện kinh tế đều đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Chúng tôi là những người già, không còn chỗ ở nào khác đành trụ lại, nhưng không gian sống vô cùng bí bách vì hàng quán vây bốn bề. Thậm chí họ còn chọc ống khói bếp lên ngay trước cửa nhà, hằng ngày "phun" vào chúng tôi không biết bao nhiêu mùi thức ăn… Đến giờ trưa (11h - 14h) và tối (18h - 20h) là thời gian nghỉ ngơi thì chúng tôi lại bị tra tấn bởi tiếng cười nói ồn ào của thực khách, khiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn. Hàng chục căn hộ nhà G22 (4 tầng) và G23 (5 tầng) đã bị các hộ kinh doanh ở tầng 1 "đánh cắp" mất không gian sống. Chúng tôi đã đề nghị với các cấp chính quyền rất nhiều lần, nhưng chỉ được vài ngày, sau khi lực lượng chức năng ra quân, đâu lại hoàn đó. Vì lợi ích của ai mà các hộ kinh doanh đó lại được tồn tại như vậy?".

Được biết, vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng tại tập thể nhà G22, G23 rộng khoảng 20m, phía trong cùng liền với nhà các hộ dân là đường nội bộ rộng khoảng 3m, khoảng không tiếp theo rộng chừng 5m hiện nhiều hộ kinh doanh đã xây bục bệ cao hơn vỉa hè, biến thành điểm kinh doanh riêng; phần còn lại giáp đường Huỳnh Thúc Kháng mới được coi là vỉa hè. Theo "điểm mặt" của cư dân thì các nhà hàng thường xuyên chiếm dụng vỉa hè là: Quán bia Ngọc Hằng, phở Nam Định, quán mỳ Vằn Thắn, quán bia 68, bia hơi Hồng Hường, cơm niêu Phương Lộc, Phở 58 Nguyễn Khuyến… Thậm chí, quán cà phê Hoa Giấy ở đầu vỉa hè nhà G22 còn ngang nhiên dùng các chậu cây cảnh, bồn cây để quây vỉa hè.

Thừa nhận về "điểm nóng" nêu trên, ông Ngô Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công cho biết: Phường đã nhiều lần ra quân, nhưng do lực lượng mỏng (chỉ có 3 cảnh sát trật tự, 1 cán bộ UBND phường quản lý đô thị) nên không thể canh chừng 24/24giờ. Quán cà phê Hoa Giấy đã nhiều lần dỡ bỏ cây, chậu hoa, nhưng sau đó lại tái phạm. Nhiều hộ kinh doanh ở đây đã bị phạt từ 22 triệu đồng đến 35 triệu đồng… Nhưng do lợi nhuận quá lớn nên các hộ vẫn tái phạm. Vừa qua, phường đã lập kế hoạch cưỡng chế, giải tỏa các điểm vi phạm lấn chiếm vỉa hè, sắp xếp lại việc kinh doanh ở tầng 1 của các khu tập thể nên đã hạn chế được phần nào tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, việc giải tỏa vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng, đoạn qua nhà tập thể G22, G23 vẫn chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải quyết được triệt để. UBND phường đề nghị các cơ quan chức năng xem xét rút giấy phép kinh doanh của các nhà hàng lấn chiếm vỉa hè, quy hoạch vỉa hè nơi đây làm điểm trông giữ xe công cộng…

Trong khi thành phố còn đang thiếu trầm trọng điểm trông, giữ xe thì đề nghị nêu trên của UBND phường Thành Công là có cơ sở. Không thể vì quyền lợi của một số hộ kinh doanh làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của hàng chục hộ dân khác. Để có những việc làm thiết thực cho năm "Trật tự và văn minh đô thị", đề nghị UBND quận Ba Đình và các sở, ngành của thành phố xem xét, có giải pháp cụ thể để vỉa hè nơi đây được sử dụng đúng mục đích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ hết giải pháp tình thế?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.