Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chấn chỉnh hoạt động xe khách trá hình: Cần giải pháp đồng bộ

Tuấn Lương| 30/08/2014 06:27

(HNM) - Tình trạng xe khách trá hình, đưa xe hợp đồng vào khai thác tuyến cố định và lập bến

Nhức nhối xe khách trá hình

Theo Bộ GTVT, hiện nay tại nhiều địa phương vẫn tồn tại tình trạng các hãng xe không vào bến, thậm chí tự lập bến đón trả khách gây rối loạn hoạt động vận tải khách. Qua thanh tra tại một số địa phương cho thấy, nhiều doanh nghiệp (DN) đã lợi dụng hình thức kinh doanh vận tải hợp đồng để làm kinh doanh vận tải cố định…

Đón trả khách không đúng bến. Ảnh: Minh Ngọc


Tại Hà Nội, theo phản ánh của người dân, xe khách núp bóng để chạy tuyến cố định nhưng không vào bến khá nhiều. Cách làm phổ biến là lập văn phòng ở nội đô rồi đưa xe vào khai thác từ Hà Nội đi các tỉnh, hoặc ngược lại. Điển hình là xe chạy các tỉnh miền Trung thường lập bến đón trả khách ở ven sông Kim Ngưu và đường Võ Thị Sáu (trước cửa Công viên Tuổi trẻ); xe đi Lạng Sơn lập bến ở gần Bến xe Mỹ Đình hoặc điện thoại hẹn gom khách tại nhiều điểm trong thành phố. Khu vực đường ngang giữa phố Trần Bình và Phạm Hùng (gần Bến xe Mỹ Đình), phố Đội Cấn… cũng là những địa điểm để các xe khách trá hình trả khách một cách chớp nhoáng. Trước đây, phố Trần Đại Nghĩa (cạnh Trường Đại học Bách khoa) trong thời gian dài là địa điểm tập kết xe và người nhưng sau đó đã bị lực lượng chức năng dẹp bỏ.

Theo ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội, tình hình xe khách trá hình trên địa bàn Thủ đô hiện nay rất nhức nhối. Thời gian qua, Thanh tra Sở đã nhận được không ít phản ánh từ phía hành khách (cả đi xe hợp đồng cũng như xe dù) về tình trạng "bán khách" dọc đường, thậm chí đe dọa hành hung hành khách. Xe dù, xe khách trá hình thường xuyên chuyển địa bàn hoạt động, gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng.

Tình trạng xe khách trá hình tại TP Hồ Chí Minh còn nhức nhối hơn nữa. Ông Trần Văn Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây cho biết, có chừng 17 DN hoạt động ở nội thành, phục vụ hành khách từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh hoặc ngược lại. Việc lợi dụng như vậy tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh giữa các DN, một bên là tuân thủ các nghĩa vụ của Nhà nước về thuế, giá bến… một bên là khai thác nhưng không đóng thuế, phí bến làm cho việc cạnh tranh thiếu bình đẳng. Hoạt động trá hình này không chỉ gây ùn tắc, mất an ninh trật tự mà quyền lợi của hành khách cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, do không phát hành vé nên hành khách không có bảo hiểm, rất khó xử lý khi xảy ra sự cố. Về giá cả, thời điểm bình thường nhà xe hạ giá để cạnh tranh với các DN hoạt động trong bến nhưng cao điểm thì tăng giá.

Đại diện một số DN vận tải cho biết đang phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ các DN hoạt động xe khách trá hình này. Việc DN ký hợp đồng với từng hành khách chính là một cách "lách" luật nhằm trốn được các khoản thuế với Nhà nước. Đã có không ít DN sau thời gian dài hoạt động nghiêm túc trong bến không cạnh tranh được đã phải bỏ bến ra ngoài để tìm khách.

Quản chặt xe hợp đồng

Các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Trước tiên là về quản lý nhà nước, tình trạng xe dù bến cóc vẫn tồn tại dai dẳng trong thời gian qua vì nhiều DN hoạt động không theo đúng quy định. Trong khi đó, nhiều người dân chưa phân biệt rõ xe dù, xe trá hình và xe trong bến, vẫn dễ dãi lựa chọn xe, ra đường bắt xe, tạo cơ hội cho xe dù bến cóc tồn tại. Công tác kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng ở nhiều địa phương còn buông lỏng. Và điều cơ bản nhất là các văn bản pháp quy liên quan còn chưa đồng bộ đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý…

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội đề xuất: Thứ nhất, xe khách liên tỉnh phải bố trí các điểm đón trả khách trên các tuyến hợp lý. Thứ hai, các DN phải nâng cao dịch vụ đăng ký ngày càng tốt hơn để nhân dân yên tâm. Thứ ba, với những xe của các DN du lịch hoặc xe hợp đồng, quy trình nên siết chặt lại. Thứ tư, cần tuyên truyền để nhân dân hiểu biết về quyền lợi của họ khi đi vào bến xe, nên vào bến xe, vì ở ngoài có thể xe dù, xe hợp đồng giả danh, bán khách dọc đường, chất lượng không bảo đảm.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thừa nhận đang còn có sự "chồng lấn" giữa các loại hình vận tải khách, dẫn đến bị lợi dụng để kinh doanh. Nhiều DN đã lợi dụng hình thức kinh doanh vận tải hợp đồng để làm kinh doanh vận tải cố định. Muốn quản được và giải quyết được triệt để vấn đề này phải thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước. Công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch các tuyến vận tải hành khách cũng phải tiến hành chặt chẽ. Bộ GTVT đang cố gắng đến ngày 30-12-2014 sẽ ban hành quy hoạch này nhằm đưa hoạt động vận tải vào quy củ hơn. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nghị định sửa đổi Nghị định 91/CP và 93/CP. Thời gian tới, sau khi ban hành nghị định sửa đổi trên sẽ phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt. Bộ GTVT đang thanh tra một số DN lớn, có quy mô, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý, chấn chỉnh ngay.

Ủy ban ATGT quốc gia đã thông báo lại số điện thoại đường dây nóng của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Tới đây, tại Thông tư số 24 và 18, sẽ quy định mọi xe chở khách phải niêm yết số điện thoại của Bộ GTVT, Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt và Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Số điện thoại của Sở GTVT địa phương chỉ niêm yết tại bến xe. Các số điện thoại của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đều là số di động, nên nếu có tin nhắn, đề nghị người dân và hành khách có sự mô tả rõ địa điểm, thời gian và nội dung của vụ việc để dễ xác minh và xử lý theo đúng thẩm quyền. Riêng trong dịp nghỉ lễ 2-9, 3 số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin là: 0903232654 - 0989088719 - 0912379753. Địa chỉ thư điện tử: vuvantai@mt.gov.vn. Ngoài ra, các số điện thoại của Bộ GTVT, Ủy ban ATGT quốc gia và Cục CSGT vẫn hoạt động 24/24h. Vì thế, những người phát hiện có xe dù, bến cóc, vi phạm thể lệ vận tải có thể phản ánh mọi lúc, mọi nơi.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chấn chỉnh hoạt động xe khách trá hình: Cần giải pháp đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.