Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất cập từ nhiều phía

Hà Phong| 02/10/2014 06:30

(HNM) - Xác định công tác tuyên truyền là giải pháp cơ bản, lâu dài để hình thành nếp sống văn minh, ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh phổ biến Luật Giao thông đường bộ dưới nhiều hình thức.

Công an phạt cũng không sợ

Từ thực tế địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Dương Dũng cho rằng, việc thay đổi ý thức và hành vi của người tham gia giao thông khó có thể tốt lên trong một sớm một chiều. Hiện tại, có hai lực lượng chính là cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông được phép xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra còn có các lực lượng khác như: Cảnh sát 113, cảnh sát cơ động, công an xã tham gia phối hợp. Việc phân định trách nhiệm, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ còn chồng chéo dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chưa có sự chỉ đạo thống nhất, sát sao của các cấp lãnh đạo để phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng. Bất cập này khiến không ít hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ không được xử lý triệt để, tạo thành tiền lệ xấu, khiến đối tượng vi phạm "nhờn" luật, không chấp hành.

Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) cùng lực lượng thanh niên tình nguyện hướng dẫn giao thông. Ảnh: Thái Hiền


Một vấn đề nữa là việc triển khai thi hành Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Đáng lẽ, đây phải là "cây gậy" pháp lý có tác dụng ngăn ngừa vi phạm giao thông. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thi hành khiến việc xử lý gặp khó khăn và gây nhiều cách hiểu khác nhau ngay trong chính lực lượng công an.

Vướng mắc vẫn chưa dừng lại ở đây. Theo nhận định của Phó Giám đốc CATP Hà Nội - Đại tá Đào Thanh Hải, khoản 6, Điều 125, Luật Xử lý vi phạm hành chính nêu: "Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền chỉ được tạm giữ một trong các loại giấy tờ của người vi phạm theo thứ tự: Giấy phép lái xe, giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt" đã gây ra nhiều hệ lụy. Chiểu theo quy định trên, nhiều trường hợp, người vi phạm bị áp dụng mức phạt tiền lớn nhưng cũng chỉ bị tạm giữ một trong các loại giấy tờ. Việc cấp lại các giấy tờ liên quan đến người và phương tiện lại chưa có sự quản lý chặt chẽ, trao đổi thông tin kịp thời giữa các đơn vị. Từ đó, có tình trạng, người vi phạm bỏ giấy tờ đã bị tạm giữ, không chấp hành quyết định xử phạt, sau đó khai báo không đúng sự thật để được cơ quan chức năng cấp lại giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe...

CSGT chịu nhiều áp lực

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Chu Sơn Hà: "Ra đường, người tham gia giao thông sợ nhất là xe bus, thứ hai là taxi. Không phải ngẫu nhiên mà người ta sợ điều này. Do đó, chúng ta cần phải lắng nghe để tìm ra giải pháp khắc phục thực trạng trên".

Có thể khẳng định, để xảy ra tình trạng trên, các nhà làm luật không thể vô can. Muốn chữa căn bệnh "nhờn" luật ở một bộ phận người tham gia giao thông, về lâu dài không thể không sửa Luật Giao thông đường bộ, bổ sung các văn bản hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực này. Mặt khác cần cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội, Đại tá Đào Vịnh Thắng nhận định: "Cơ sở hạ tầng đường bộ chỉ thiết kế cho 600 nghìn lượt người đi, song thực tế có tới 1,8 vạn lượt người đi. Chưa kể, Hà Nội hiện có khoảng 4 triệu xe máy, 400 nghìn xe ô tô dẫn đến quá tải khiến chúng tôi làm nhiệm vụ chịu rất nhiều áp lực". Để dẫn chứng cho nhận định của mình, Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, từ năm 2009 đến tháng 6-2014, toàn thành phố có 1.713.711 phương tiện được đăng ký mới nâng tổng số phương tiện hiện đang quản lý lên 5.249.859 phương tiện... Nhưng, Hà Nội chỉ có hơn 1.000 chiến sĩ CSGT, trong đó phải tuần tra hơn 300 nút giao thông và nhiều tuyến quốc lộ. Mật độ công việc nhiều, ý thức tham gia giao thông của người dân chưa tốt, buộc lực lượng công an phải căng mình mà không hết việc. Cũng theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, hiện toàn thành phố có 6 công trình trọng điểm đang thi công. Theo quy định, các công trình này phải có biển báo, lập hàng rào cũng như cử lực lượng ra giải tỏa, hướng dẫn cho các phương tiện để chống ùn tắc, thế nhưng không đơn vị nào làm.

Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Tư vấn khoa học kỹ thuật cầu đường Hà Nội Vũ Hoàng Tạo cho biết thêm, 5-10 năm nay Hà Nội không có thêm bãi đỗ xe có quy mô lớn nào trong khi đó các phương tiện ngày càng tăng. Trong bối cảnh, quy định chưa thống nhất, công tác phối hợp chưa nghiêm, cơ sở hạ tầng còn khiêm tốn đã tạo nên áp lực cho cơ quan quản lý.

Và, chỉ khi nào trách nhiệm, thẩm quyền của các ngành chức năng được phân định rõ, kết hợp với nhiều giải pháp đồng bộ về nâng cấp cơ sở hạ tầng, hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền… khi đó tình hình mới khả quan hơn.

Số người chết do tai nạn giao thông quý III tăng gần 17%

(HNM) - Ngày 1-10, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hà Nội) cho biết, trong quý III-2014, trên địa bàn thành phố xảy ra 501 vụ TNGT, làm 152 người chết, 490 người bị thương, so với cùng kỳ năm 2013 giảm 24 vụ TNGT (4,6%) nhưng số người chết tăng 22 người (16,9%). Lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý hơn 155.700 trường hợp vi phạm, tạm giữ 6.150 phương tiện và hơn 42.000 bộ giấy tờ. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, CSGT đã phát hiện 60 vụ việc có dấu hiệu phạm pháp hình sự.

Thành Tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập từ nhiều phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.